Thứ 7, 20/04/2024 08:42:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 05:40, 01/10/2016 GMT+7

Giáo viên tiểu học lại được chấm điểm học sinh?

H.Nguyên
Thứ 7, 01/10/2016 | 05:40:00 293 lượt xem

BP - Sau tròn 2 năm triển khai thực hiện, ngày 22-9-2016, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28-8-2014. Điểm mới đáng chú ý nhất trong Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT là Bộ GD-ĐT cho phép giáo viên được đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét đối với học sinh tiểu học; đối với đánh giá thường xuyên, giáo viên đánh giá bằng nhận xét; đồng thời kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất. Ngoài ra, Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT còn sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng khác, như đánh giá học sinh khuyết tật và học sinh học ở các lớp học linh hoạt; hồ sơ đánh giá và tổng hợp kết quả đánh giá; nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh; khen thưởng; trách nhiệm của sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT; trách nhiệm của hiệu trưởng; trách nhiệm của giáo viên; quyền và trách nhiệm của học sinh... Cụ thể một số sửa đổi như sau:

Học sinh Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) trong giờ học - Ảnh: Tuyết LyHọc sinh Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) trong giờ học - Ảnh: Tuyết Ly

Được chấm điểm học sinh

Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 3 Điều 4 như sau:

1. Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.

3. Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.

Khuyến khích phụ huynh trao đổi với giáo viên về các nhận xét

Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

2. Đánh giá thường xuyên về học tập:

a) Giáo viên dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời.

b) Học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của bạn, nhóm bạn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập để học và làm tốt hơn.

c) Khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện.

Khi nào bị ở lại lớp?

Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:

2. Đánh giá định kỳ về học tập:

a) Vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kỹ năng để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức sau:

Hoàn thành tốt: thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Hoàn thành: thực hiện được các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Chưa hoàn thành: chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 14 như sau:

1. Xét hoàn thành chương trình lớp học:

a) Học sinh được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học phải đạt các điều kiện sau:

Đánh giá định kỳ về học tập cuối năm học của từng môn học và hoạt động giáo dục: hoàn thành tốt hoặc hoàn thành.

Đánh giá định kỳ về từng năng lực và phẩm chất cuối năm học: tốt hoặc đạt.

Bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt điểm 5 trở lên.

b) Đối với học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học, giáo viên lập kế hoạch, hướng dẫn, giúp đỡ; đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học.

c) Đối với học sinh đã được hướng dẫn, giúp đỡ mà vẫn chưa đủ điều kiện hoàn thành chương trình lớp học, tùy theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, mức độ hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất, giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng xem xét, quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp.

Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 6-11-2016.

  • Từ khóa
86260

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu