Thứ 6, 29/03/2024 01:49:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:22, 22/11/2016 GMT+7

Giáo dục truyền thống qua các lễ hội

Thứ 3, 22/11/2016 | 08:22:00 1,378 lượt xem

BP - Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa đấu tranh, phê phán những biểu hiện: “tự diễn biến” trong nội bộ ta”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng thứ 4, khóa XII đã ban hành nghị quyết về tăng cường chỉnh đốn Đảng, trong đó nêu rõ:

...Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước… Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc...

Những nhận định của Đảng, cùng với diễn biến thực tế tình hình chính trị - xã hội của đất nước và thế giới trong những năm gần đây là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn diễn biến hòa bình là một nguy cơ thực tế, không thể xem thường. Bởi đây là nguy cơ trực tiếp đe dọa tới sự ổn định và phát triển của đất nước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Vì thế, việc luôn luôn chủ động, đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực phản động, thù địch là một nhiệm vụ vừa cơ bản vừa thiết yếu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hiện nay.

Có một thực tế mà ai cũng biết đó là các thế lực phản động, thù địch chưa bao giờ ngừng nghỉ trong việc chống phá cách mạng nước ta bằng mọi cách, mọi thủ đoạn và những âm mưu thâm độc nhất. Đặc biệt, gắn liền với chống phá quyết liệt trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng, kinh tế và an ninh, chúng rất coi trọng việc chống phá ta về văn hóa, nghệ thuật. Mục tiêu chống phá trong lĩnh vực này của các thế lực thù địch là khuyến khích các khuynh hướng văn hóa, nghệ thuật độc lập với chính trị, tức là nghệ thuật phi chính trị; phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa, nghệ thuật; phủ định văn học cách mạng, lôi kéo các văn nghệ sĩ đi theo các trào lưu văn hóa phương Tây và coi nhẹ văn hoá, nghệ thuật truyền thống của dân tộc đã được hình thành, phát triển và tồn tại từ bao đời nay.

Thâm độc hơn nữa, chúng tìm mọi cách, dùng mọi âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để phủ định hoặc làm hạn chế đến mức thấp nhất các giá trị nền tảng tư tưởng, văn hóa Việt Nam. Cụ thể là bản lĩnh chính trị, truyền thống đoàn kết dân tộc, tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, ý chí bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước của nhân dân ta. Bởi vì, đây chính là cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của dân tộc ta trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay. Đồng thời, thông qua nhiều con đường khác nhau, chúng khuếch trương các giá trị văn hoá phương Tây, gieo rắc sản phẩm văn hóa đồi truỵ, độc hại cùng với những quan điểm, tư tưởng, lối sống thực dụng, đề cao giá trị vật chất, sùng ngoại, tạo tâm lý hưởng thụ…, nhất là đối với thế hệ trẻ. Rồi qua đó, từng bước chúng thực hiện việc chuyển hóa tư duy, nếp nghĩ, quan điểm của các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với học sinh, sinh viên theo hướng đối lập với quan điểm, tư tưởng của Đảng và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta phải hành động như thế nào để làm thất bại hoàn toàn những âm mưu cũng như các thủ đoạn của chúng. Câu trả lời rằng không có cách nào khác, mà hãy học kinh nghiệm ở chính tổ tiên và ông cha chúng ta, đó là “tương kế tựu kế”. Nếu chúng chống phá chúng ta trong lĩnh vực văn hóa thì không có cách nào hữu hiệu hơn là thông qua các hoạt động văn hóa, lễ hội gắn với các nhân vật anh hùng của dân tộc để giáo dục nâng cao nhận thức của người  dân về bản chất không bao giờ thay đổi của các thế lực thù địch; qua đó phát huy và nâng cao tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết và ý thức bảo vệ Tổ quốc. Bởi vì đây là một hình thức giáo dục mang tính cộng đồng cao, là một nét đẹp của văn hóa dân tộc và đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân. Cụ thể là trong các lễ hội dù ở cấp làng, xã, hay huyện, tỉnh hoặc Trung ương cũng vậy, nếu ban tổ chức lồng ghép tốt việc tuyên truyền về tinh thần đoàn kết, tôn vinh những công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm…, thì mọi người sẽ cảm nhận được sự cố kết cộng đồng, tình đoàn kết gắn bó trong quan hệ làng nước nhằm chống chọi với thiên nhiên hay giặc ngoại xâm để tồn tại và phát triển.

Và điều quan trọng hơn là qua những hoạt động lễ hội đó, chúng ta tạo dựng nên những tình cảm văn hóa mới phù hợp với thời đại và giúp hoàn thiện những phẩm chất tốt đẹp của con người văn minh. Đây cũng là dịp tốt để xây đắp nền văn hóa, không gian văn hóa giàu bản sắc và thực hành giao lưu văn hóa giữa các vùng miền và các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam. Lật lại lịch sử chúng ta sẽ thấy rõ, ở các triều đại Lý, Trần, Lê đều có quy ước, định lệ cho các địa phương về xây dựng đền, miếu để thờ phụng các anh hùng có công với đất nước, với dân tộc; đồng thời, trong những quy ước ấy đều đã gắn giáo dục ý thức quốc phòng với những lễ hội của các làng, xã. Đó cũng là hình thức sáng tạo, hiệu quả mang đậm truyền thống nhân văn của tổ tiên chúng ta. Thông qua lễ hội, một mặt là để ghi công, tôn vinh và bày tỏ lòng tri ân những người đã chiến đấu, hy sinh vì dân, vì nước trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc; mặt khác là tạo ra không gian hoạt động cho nhân dân, như: tái hiện những sự kiện về gương các anh hùng, hội thi kéo co, đấu vật, đua ngựa, đua thuyền, bắn cung,... Việc làm ấy vừa nêu cao tinh thần thượng võ, vừa tuyên truyền, giáo dục, xây dựng ý thức quốc phòng toàn dân đậm đà bản sắc dân tộc.

Những năm gần đây, tỉnh Bình Phước đã phục dựng lại một số lễ hội truyền thống như: Lễ hội đình thần Hưng Long ở khu phố 4, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, nhằm tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân đã khai phá ra vùng đất này. Hay lễ hội “Miếu Bà” ở xã Sơn Giang, thị xã Phước Long để tưởng nhớ các chiến sĩ cộng sản - tù chính trị đã bị thực dân Pháp chôn sống dưới gốc cây cầy. Hoặc lễ hội “Mừng lúa mới”, lễ hội “Phá bàu” của đồng bào S’tiêng; lễ hội Sendolta của đồng bào Khơme; Lễ hội Kate của đồng bào Chăm... Điểm chung nhất của các lễ hội này là thể hiện sự cố kết trong cộng đồng và cũng là dịp ông bà, cha mẹ giáo dục các thế hệ con cháu nhớ ơn, kính trọng ông bà, tổ tiên.

Và từ bao đời nay, chính nhờ giáo dục truyền thống văn hóa trong các lễ hội đã làm chuyển biến tích cực về nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào ở các vùng biên giới trong việc nêu cao truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc. Vì thế, mặc dù không được tập trung huấn luyện quân sự, nhưng khi “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, khi đất nước bị xâm lược thì “trăm họ” đều nhất tề đứng lên chiến đấu bằng mọi thứ vũ khí có trong tay để bảo vệ “giang sơn, bờ cõi”.

N.V

  • Từ khóa
2545

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu