Thứ 5, 28/03/2024 21:54:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:47, 27/06/2019 GMT+7

Giáo cả Chàm Sa vì cuộc sống cộng đồng

Thứ 5, 27/06/2019 | 08:47:00 1,122 lượt xem
BP - Từ một khu dân cư chỉ có 50 hộ (trong đó có tới 17 hộ nghèo), lại không điện, không trường, gần như biệt lập khi mùa mưa đến vào năm 2011, đến nay, khu người Chăm ở ấp Tân Phú, xã Thuận Phú (Đồng Phú) đã khoác lên mình diện mạo mới. Điện thắp sáng kéo vào tận nơi, giao thông thuận tiện, trẻ em được đến trường, 100% gia đình có phương tiện nghe, nhìn; chỉ còn 5 hộ nghèo… Kết quả đó ngoài sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền các cấp còn có sự đóng góp không nhỏ của ông Chàm Sa - người giáo cả uy tín.

Gắn bó với đồng bào Chăm từ lúc mới về lập nghiệp ở Tân Phú, rồi 8 năm làm giáo cả của cộng đồng, ông Chàm Sa là người hiểu rõ nhất nếp sống, nếp nghĩ của từng hộ dân nơi đây. Vì vậy, ngay từ khi được người dân tín nhiệm bầu làm giáo cả, ông luôn tâm niệm phải làm sao giúp cuộc sống bà con no đủ, mọi người có việc làm, trẻ nhỏ được học hành đến nơi đến chốn. Muốn như thế phải thay đổi được tư duy của người dân, phải tìm hướng đi đúng đắn để bà con yên tâm lao động, sản xuất. Trước thực trạng hầu hết thanh niên trong vùng không nghề nghiệp, trình độ học vấn thấp, giáo cả Chàm Sa đã đến các nông trường cao su, trang trại lân cận xin việc làm cho họ. Ông cho rằng, không phải đồng bào lười lao động, mà bởi xưa nay họ ít tiếp xúc với bên ngoài, khả năng giao tiếp có hạn nên khó tìm được công việc ổn định. Ông căn dặn mọi người làm việc gì cũng phải siêng năng, trung thực, từ đó lãnh đạo nông trường và chủ trang trại mới tin tưởng giao việc. Nhờ đó đến nay đã có hàng chục thanh niên trong vùng tìm được việc làm, thu nhập từ 3-6 triệu đồng/tháng.

Giáo cả Chàm Sa (bìa phải) cùng đại diện Ban Dân tộc tỉnh tặng quà cho người Chăm nhân dịp lễ Ramadan

Năm 2011, Nhà nước có chủ trương xây dựng nhà tình thương cho một số hộ nghèo trên địa bàn, nhưng do đa phần không có đất ở nên việc xây dựng nhà phải tạm gác lại. Thương bà con, ông bàn với gia đình hiến 397m2 đất để xây dựng 4 căn nhà tình thương cho các hộ: Kho Ty Cha, Pho Ty Mát, Thị Ty Hà, Chàm Cốt. Được bàn giao nhà tình thương, chị Thị Ty Hà xúc động nói: Tôi và các gia đình khác biết ơn giáo cả Chàm Sa nhiều lắm! Nếu không có giáo cả chắc đến giờ chúng tôi vẫn chưa có nhà để ở, cuộc sống lại phải nay đây mai đó.

Còn với chị Ai Xá, giáo cả Chàm Sa giống như người cha thứ hai, bởi ông luôn là điểm tựa giúp gia đình chị vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Chị cho biết: Lúc trước bản thân không có việc làm, chồng lại đau ốm thường xuyên, không đất đai, nhà cửa nên cái đói, nghèo cứ bám riết. Từ ngày được giáo cả Chàm Sa vận động xây tặng căn nhà tình thương, liên hệ Ngân hàng chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng phát triển sản xuất, rồi giới thiệu cạo mủ cao su thuê tại một hộ dân trong khu vực nên cuộc sống từng bước nâng lên. Đến nay, gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà còn dành dụm, vay thêm mua được 1 ha điều, sắm một số vật dụng sinh hoạt, con gái được đến trường.

Với suy nghĩ: “Mình làm được thì nói bà con mới nghe, làm theo”, giáo cả Chàm Sa luôn coi việc của cộng đồng dân cư như công việc quan trọng của gia đình. Trước đây, vào mùa mưa, mọi hoạt động của người Chăm, nhất là việc học hành của con em trong khu dân cư gần như bị “đóng băng”, bởi đường đi khó khăn, nước suối dâng cao nên ngập sâu. Sau nhiều lần kiến nghị, trong đó có ý kiến của giáo cả Chàm Sa, cuối năm 2015, UBND huyện Đồng Phú đã đầu tư xây dựng đường cấp phối vào ấp; xây dựng cầu bắc qua suối dài 120m với kinh phí 1,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện còn đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng đưa lưới điện quốc gia về phục vụ người dân trong ấp. Nhờ có điện, có đường nên cuộc sống đồng bào Chăm ở Tân Phú ngày một khởi sắc; an ninh trật tự địa bàn luôn đảm bảo, từ năm 2014 trở lại đây không xảy ra tình trạng trộm cắp hay các tệ nạn xã hội; tình làng nghĩa xóm luôn thắt chặt.

Ông Phan Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thuận Phú cho biết: “Giáo cả Chàm Sa luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Những gì người dân hiểu chưa đúng, ông chịu khó giải thích, phân tích đúng sai. Với những vấn đề thấy chính quyền giải quyết chưa thỏa đáng, đích thân ông phản ánh lại với ban ấp, xã để tìm hướng giải quyết. Từ chỗ tháo gỡ những bức xúc trong dân, tiếng nói của ông càng uy tín hơn”.

M.H

  • Từ khóa
2277

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu