Thứ 6, 29/03/2024 00:41:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 07:30, 26/02/2015 GMT+7

Giảng dạy theo phương pháp tích hợp - luồng gió mới ở Trường THPT Nguyễn Huệ

Thứ 5, 26/02/2015 | 07:30:00 336 lượt xem
BP - Tích hợp, liên môn phương pháp dạy học không chỉ giúp học sinh hiểu và vận dụng kiến thức thực tế vào bài học hiệu quả mà còn góp phần hình thành nhân cách, đạo đức cũng như cách giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống. Cách dạy học này đang được áp dụng tại các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh.


Phương pháp dạy tích hợp đang mang lại hiệu quả, được học sinh đón nhận.Ảnh: Tiết học môn Vật lý lớp 12A3, Trường THPT Nguyễn Huệ

Học sinh hào hứng đón nhận

Những năm gần đây, các trường THPT và THCS đã đưa phương pháp dạy học theo kiểu tích hợp, liên môn và được học sinh đón nhận tích cực. Em Lưu Thúy Vy, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Huệ (TX. Bình Long) cho biết: “Trước đây, thầy cô dạy theo phương pháp đọc, chép nên chúng em tiếp thu bài thụ động, chủ yếu là học đối phó. Phương pháp dạy tích hợp, liên môn, giáo viên lồng ghép thêm những kiến thức thực tế vừa dễ hiểu lại nắm bắt nội dung bài học nhanh. Mỗi tiết học, ngoài những kiến thức từ sách vở, chúng em còn cập nhật thêm kiến thức từ cuộc sống sinh động, lại tiết kiệm được thời gian học để làm bài tập nâng cao”.

Cô Phạm Thị Thanh Hằng, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết, để có một tiết học theo kiểu tích hợp, giáo viên phải có kiến thức rộng và liên hệ với cuộc sống thực tế nhằm giúp học sinh hiểu sâu hơn. Từ việc lồng ghép các nội dung như bảo vệ môi trường, giáo dục đạo đức vào các môn xã hội như Ngữ văn, Giáo dục công dân, Địa lý... đã giúp các em cảm nhận bài giảng tốt hơn. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh khá, giỏi hàng năm tăng lên. Năm học 2013-2014, trường có 4 học sinh giỏi cấp tỉnh, 4 học sinh đạt giải đồng cuộc thi Olympic 19-5 và 37 học sinh giỏi cấp trường.

Góp phần giáo dục nhân cách

Không những chuyển tải kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy theo phương pháp tích hợp, liên môn còn giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh, giúp các em có cách ứng xử nhanh nhạy và phù hợp trong cuộc sống hàng ngày. Thầy Phạm Văn Đông, giáo viên Địa lý Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: “Ngoài kiến thức đơn thuần, qua các tiết học chúng tôi còn định hướng, giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh”.

Thầy Đông cũng cho biết, trong bài học về môi trường ngoài việc giúp học sinh nắm được những kiến thức trong sách giáo khoa, thầy còn liên hệ thực tế để nâng cao ý thức giúp các em nhận thức đúng và có những việc làm thiết thực để chung tay bảo vệ môi trường. Để học sinh không bị gò bó theo khuôn mẫu, thầy không yêu cầu học sinh học thuộc lòng mà phải nắm bắt được nội dung và trả lời theo hướng hiểu, cảm nhận. Em Nguyễn Văn Lương, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Huệ chia sẻ: “Học theo phương pháp này giúp ích cho chúng em rất nhiều trong xử lý những tình huống xảy ra thực tế. Từ đó, giúp chúng em hiểu được nhiều giá trị và hình thành đạo đức, nhân cách tốt”.

Đòi hỏi cao ở giáo viên

Giáo viên dạy theo phương pháp tích hợp phải nhẹ nhàng, linh hoạt, tự nhiên, đảm bảo nội dung bài học, giúp học sinh hiểu và có thể vận dụng vào thực tiễn. Cô Phạm Thị Thanh Hằng, giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: “Mỗi khi soạn giáo án cho một bài giảng, tôi đều tìm hiểu thời kỳ lịch sử, đời sống xã hội để hiểu được tác phẩm đó ra đời trong hoàn cảnh nào. Muốn có được kiến thức đó, tôi phải đọc sách báo hoặc trao đổi với giáo viên dạy môn Lịch sử để hiểu sâu hơn”. Chính vì vậy, khi triển khai cách dạy này, một số trường không tránh khỏi những khó khăn. Cô Dương Thị Hà, chuyên viên Phòng Giáo dục THPT (Sở Giáo dục - đào tạo) cho biết: Cách dạy này sẽ khiến dung lượng kiến thức ở một số bài học nhiều, thời gian chuyển tải của giáo viên đến học sinh dài hơn. Vì thế, nhiều giáo viên còn e ngại hoặc không thể thực hiện kịp việc tích hợp vào trong các tiết học những nội dung liên quan.

Ngoài ra, cách dạy này còn đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức về nhiều lĩnh vực. Trong thực tế thì nhiều giáo viên còn hạn chế về kiến thức và phương pháp, kỹ năng lồng ghép, tích hợp nên còn lúng túng, chưa chủ động trong quá trình giảng dạy. Một trong những đòi hỏi của phương pháp dạy học này là phải tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm từ thực tế nhưng vì thiếu kinh phí nên chưa thể tổ chức cho học sinh học tập theo nội dung này. Rồi tài liệu, hình ảnh, clip... liên quan đến các nội dung lồng ghép, tích hợp không được cung cấp đầy đủ đã kiềm chế hiệu quả giảng dạy.

Hiện Sở GD-ĐT đang tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị thực hiện nhằm đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nhằm giúp giáo viên nâng cao kỹ năng tích hợp trong giảng dạy theo phương pháp mới.              

  Thùy Hương

  • Từ khóa
84925

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu