Thứ 6, 29/03/2024 13:51:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:53, 05/10/2019 GMT+7

Gian nan phòng, chống sốt xuất huyết - Bài cuối

Thứ 7, 05/10/2019 | 08:53:00 3,712 lượt xem

PHÒNG, CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG

BP - Đến ngày 22-9-2019, toàn tỉnh Bình Phước ghi nhận 6.901 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 145% so cùng kỳ năm 2018. Phóng viên Báo Bình Phước đã phỏng vấn tiến sĩ, bác sĩ (TS.BS) Quách Ái Đức, Giám đốc Sở Y tế về những giải pháp đối với công tác phòng dịch SXH hiện nay.

PV: Diễn tiến tình hình bệnh SXH trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào, thưa ông?

TS.BS Quách Ái Đức: Bệnh SXH trên địa bàn tỉnh năm nay diễn biến phức tạp, số ca mắc và tử vong đều tăng so cùng kỳ năm 2018. Đến ngày 22-9-2019, toàn tỉnh ghi nhận 6.901 ca mắc, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng 145% (6.901/2.815 ca), tử vong tăng 2 ca so cùng kỳ năm 2018. Các địa bàn có số ca mắc SXH cao như: Đồng Xoài 1.250 ca, Chơn Thành 1.046 ca, Lộc Ninh 737 ca, Hớn Quản 667 ca, Bù Đốp 633 ca, Đồng Phú 548 ca, Bù Đăng 508 ca, Bù Gia Mập 500 ca và Phú Riềng 414 ca. Số ca mắc SXH/100.000 dân của tỉnh so với các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ nói riêng và so với toàn quốc nói chung là cao. Tính đến ngày 8-9-2019, khu vực phía Nam ghi nhận 107.962 ca mắc SXH, tăng 146% so cùng kỳ năm ngoái (43.841 ca); 31 ca tử vong, tăng 20 ca so cùng kỳ năm 2018 (11 ca). Trong đó, TP. Hồ Chí Minh có số ca mắc cao nhất (42.438 ca), tiếp đến là Đồng Nai (13.286), Bà Rịa - Vũng Tàu (9.260 ca), Bình Dương (6.658 ca) và đứng thứ 5 trong khu vực phía Nam là Bình Phước với 6.416 ca.

Nhân viên y tế phun hóa chất phòng chống sốt xuất huyết tại nhà dân ở xã Phước Tín (Phước Long)

PV: Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 3 ca tử vong do SXH và nhiều ca nhập viện trong tình trạng sốc, gây khó khăn cho hệ điều trị. Ông có thể cho biết thêm thông tin về vấn đề này?

TS.BS Quách Ái Đức: Theo số liệu giám sát, trong 6.520 ca SXH nhập viện điều trị có 39 ca SXH nặng. Tuy nhiên, trong điều trị bệnh SXH có những diễn biến bất thường đối với từng trường hợp. Đặc biệt, bệnh SXH có thể trở nặng đối với bệnh nhân nhập viện trễ không được theo dõi, điều trị kịp thời; nhũ nhi; người già trên 60 tuổi; người mắc các bệnh mạn tính đi kèm như bệnh tim, gan, hen, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính mất kiểm soát, đái tháo đường, béo phì... Những trường hợp này thường gây khó khăn cho điều trị. Vì vậy, ngành y tế khuyến cáo khi có triệu chứng sốt nghi ngờ SXH, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

PV: Thưa ông, năm nay mùa mưa ở Bình Phước kéo dài có ảnh hưởng đến kế hoạch phòng dịch chung của tỉnh? Và ngành y tế đưa ra những giải pháp gì để chủ động phòng dịch trong thời điểm hiện nay?

TS.BS Quách Ái Đức: Mùa mưa kéo dài cũng là điều kiện thuận lợi để SXH gia tăng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, 10/11 huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc SXH tăng cao so cùng kỳ năm 2018, trong khi những năm trước SXH tập trung chủ yếu ở Chơn Thành, Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long..., vì vậy ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch phòng chống SXH chung của tỉnh.

Trước tình hình SXH tăng cao ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp để chủ động phòng chống dịch. Cụ thể: Chỉ đạo trung tâm y tế cấp huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân chủ động, tích cực tham gia hoạt động phòng chống SXH; tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch diệt lăng quăng phòng chống SXH dựa vào cộng đồng; xây dựng kế hoạch phun hóa chất chủ động diện rộng kết hợp diệt lăng quăng phòng chống SXH tại các địa bàn có nguy cơ cao. Giám sát chặt chẽ ca bệnh hằng ngày, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch. Chuẩn bị đầy đủ hóa chất diệt côn trùng, duy trì đội cơ động chống dịch sẵn sàng đáp ứng chống dịch khi cần.

PV: Hiện tình trạng dung dịch cao phân tử chống sốc cho bệnh SXH nặng đang thiếu cục bộ ở khu vực Đông Nam bộ nói chung và Bình Phước nói riêng. Sở Y tế đã có biện pháp nào để đảm bảo thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc SXH nặng trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

TS.BS Quách Ái Đức: Trước nguy cơ thiếu dung dịch cao phân tử, Sở Y tế đã chủ động liên hệ các cơ sở kinh doanh và sản xuất dược phẩm, gửi công văn đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh liên hệ với cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động lập dự trù, thực hiện mua sắm, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh SXH. Đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh ưu tiên sử dụng dung dịch cao phân tử điều trị cho các trường hợp sốc do SXH, hạn chế dùng cho các chỉ định khác nếu có thuốc, dịch truyền khác thay thế (ưu tiên cho nhóm trong phác đồ điều trị và danh mục đấu thầu thuốc vật tư). Khám và theo dõi phát hiện sớm các trường hợp SXH có dấu hiệu cảnh báo sốc thì điều trị dung dịch điện giải theo phác đồ, cần thiết mới sử dụng dung dịch cao phân tử. Đồng thời, thống kê số lượng dung dịch cao phân tử hiện có trên địa bàn tỉnh, dự báo nhu cầu sử dụng theo tình hình dịch để báo cáo Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế theo Công văn số 1061/KCN-NV ngày 27-9-2019 của Bộ Y tế.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Phương Dung (thực hiện)

  • Từ khóa
94632

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu