Thứ 5, 28/03/2024 15:32:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:08, 28/01/2014 GMT+7

Đôi bờ Hiền Lương - sáng mãi những trang sử dân tộc

Thứ 3, 28/01/2014 | 15:08:00 5,443 lượt xem

Năm 2014, kỷ niệm 60 năm ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở Đông Dương (20-7-1954 - 20-7-2014), cũng là chừng ấy thời gian để mỗi người dân nước Việt nhớ tới một địa danh. Đó là sông Bến Hải, là cầu Hiền Lương trên vĩ tuyến 17: “Cách một con sông mà đó thương đây nhớ/ Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”. Đôi bờ Hiền Lương đã trở thành “nhân chứng lịch sử”, mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước, nơi đã chứng kiến cảnh tang tóc, đau thương nhưng vô cùng anh dũng, kiên trung của nhân dân đôi bờ Nam - Bắc vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Tháng 12-1986, khu di tích đôi bờ Hiền Lương được xếp hạng cấp quốc gia. Ngày 9-12-2013,  khu di tích này được Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Cột cờ bờ Bắc cầu Hiền Lương

Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương bao gồm: Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ bờ Bắc, nhà Liên hợp, Đồn công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh, cụm tượng đài Khát vọng thống nhất, nhà Bảo tàng... Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải ở Km735 trên quốc lộ 1A. Cầu nối liền thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị (bờ Bắc) với thôn Xuân Hòa thuộc xã Trung Hải, huyện Gio Linh, Quảng Trị (bờ Nam). Cầu được xây dựng từ năm 1952, năm 1967 bị bom Mỹ đánh sập. Để phục vụ chiến trường miền Nam, năm 1974, ta xây lại cầu mới bằng bê tông cốt thép. 

Cột cờ Hiền Lương những năm đầu được làm bằng cây phi lao cao 12m, trên ngọn thường xuyên treo một lá cờ rộng 24,2m2. Năm 1962, với vật liệu được chở từ Hà Nội vào, ta đã xây dựng cột cờ mới cao 38,6m, lá cờ rộng 134m2, nặng 15kg. Để lá cờ thường xuyên tung bay trên đỉnh cột, giữ vững biểu tượng sức mạnh chiến thắng của dân tộc, các chiến sĩ Đồn công an Hiền Lương đã chiến đấu anh dũng dưới mưa bom, bão đạn. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ quốc nơi đầu cầu giới tuyến, quân và dân ta đã đánh trên 300 trận lớn nhỏ, 3 lần bắt biệt kích địch vượt sông đặt mìn phá hoại cột cờ, 2 chiến sĩ công an vũ trang hy sinh, 8 người bị thương, 11 dân quân Hiền Lương ngã xuống để lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trên bầu trời giới tuyến.

Đồn công an Hiền Lương nằm ở phía bắc cầu, đồn gồm 3 khu nhà: A, B và C tạo thành hình chữ V, ở giữa là cột cờ Hiền Lương. Đồn được biên chế hai tiểu đội, với 24 người, được trang bị súng ngắn và tiểu liên AK. Trong suốt gần 12 năm (từ 1954 đến 1965), đồn như mặt trận không tiếng súng, thường diễn ra các cuộc đấu lý, đấu trí tố cáo Mỹ - ngụy vi phạm Hiệp định Paris và đấu tranh thực hiện nghiêm quy chế khu phi quân sự, ngăn chặn các hành động phá hiệp định của địch. Đồn công an là một chứng tích chiến tranh thể hiện sự gan dạ, mưu trí của các chiến sĩ công an giới tuyến.

Sông Bến Hải bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn và chảy dọc theo vĩ tuyến 17 từ Tây sang Đông rồi đổ ra biển bằng Cửa Tùng. Sông Bến Hải có tổng chiều dài gần 100km, nơi rộng nhất khoảng 200m, nơi hẹp nhất khoảng 20-30m, là ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị. Đây là một con sông phải mang trong mình nỗi uất hận, oằn mình chịu cảnh chia cắt quê hương, chia cắt đất nước, một con sông bị xẻ làm 2 bờ giới tuyến.

Vĩ tuyến 17 là một địa điểm bình thường như những vĩ tuyến khác nhưng được cả thế giới biết đến và quan tâm, bởi đây là dấu mốc chia cắt đất nước Việt Nam 21 năm (1954-1975). Đất nước hòa bình thống nhất, người mất, người còn, nhưng công lao của quân và dân khu vực giới tuyến được sử sách mãi khắc ghi. Mỗi di tích trên mảnh đất Quảng Trị là một thiên anh hùng ca bất tử về tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm mưu trí, sáng tạo, cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh của quân và dân ta. Ngày nay, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng quá khứ hào hùng của quân và dân ta ở sông Bến Hải, cầu Hiền Lương... sẽ trường tồn mãi với thời gian. Di tích đôi bờ Hiền Lương đã đi vào những trang sử vẻ vang hào hùng của dân tộc. Trên mạch nối giao thông giữa hai miền Nam - Bắc, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương là điểm sáng trong hành trình của du khách trong và ngoài nước tìm về nơi đây để hoài niệm một thời đất nước chịu cảnh chia cắt. Từ đó hiểu được sức mạnh của một dân tộc thiết tha yêu hòa bình, một ý chí và khát vọng giành độc lập tự do, để có một Việt Nam tươi đẹp như hôm nay.

Đức Hồng

  • Từ khóa
10753

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu