Thứ 6, 19/04/2024 01:03:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:39, 13/08/2019 GMT+7

Giảm nhẹ nỗi đau cho người khuyết tật

Thứ 3, 13/08/2019 | 15:39:00 661 lượt xem
BP - Chăm sóc giảm nhẹ là phương pháp tiếp cận đa ngành chăm sóc y tế chuyên khoa và chăm sóc điều dưỡng cho người bệnh. Từ đó giúp họ giảm đau đớn về thể chất, bớt căng thẳng tinh thần. Mục tiêu của liệu pháp là nâng cao chất lượng cuộc sống cho cả người bệnh và gia đình họ. Nhiều năm qua, với sự hỗ trợ của Hội Trợ giúp người khuyết tật (NKT) Việt Nam tại Bình Phước phối hợp ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho những người kém may mắn có cơ hội rèn luyện sức khỏe, phục hồi chức năng, từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Cơ hội mới cho NKt

Bà Lương Thị Ca ở khu phố Tân Trà, phường Tân Bình (Đồng Xoài) bặm môi thật chặt, giọng nói đã nghẹn lại nhưng vẫn không kiềm được nước mắt lăn dài trên khóe mắt già nua khi kể về con trai Nguyễn Văn Dũng đã ở tuổi 37 vẫn phải ngồi xe lăn. Do bất cẩn mà 4 năm trước con bà thành tàn phế. Đó là vào một ngày của năm 2015, do trèo cây để chặt cành lấy gỗ làm mộc, con trai bà bị ngã ở độ cao hơn 6m xuống đất nên bị liệt nửa người. Khi đó anh Dũng 33 tuổi, chưa có vợ con nên mọi việc đều một tay mẹ chăm sóc. Đi đâu làm cũng không yên tâm nên bà cứ quanh quẩn ở nhà để lo cho con. Mẹ con rau cháo qua ngày với cuộc sống bấp bênh từ đồng trợ cấp thương tật của con và phụ việc cho những ai ở gần khi cần của bà.

Các tình nguyện viên chăm sóc giảm nhẹ người khuyết tật thăm hỏi, động viên anh Nguyễn Văn Dũng ở khu phố Tân Trà, phường Tân Bình (Đồng Xoài)

Suốt 4 năm qua, nếu ai vô tình hỏi “Dũng có vợ chưa?” là nước mắt bà lại trào ra. Bà kể: “Nó (anh Dũng - PV) giỏi lắm, việc gì cũng làm được, dù mở tiệm hớt tóc hay làm thợ mộc đều rất đông khách. Đêm trước hôm tai nạn, ba nó nói mai trèo lên cây chặt cành trước khi đốn gỗ, tôi đã cản. Nhưng vì không nghe lời nên nó vẫn leo lên cây cao hơn cả nóc nhà, mới chặt được vài cành thì ngã xuống bất tỉnh phải đi cấp cứu. Giữ được mạng sống nhưng con bị liệt nửa người, phải ngồi trên xe lăn từ đó đến nay”.

Thời gian qua, anh Dũng tự tập luyện nhưng không có người hướng dẫn trực tiếp. Niềm vui bất ngờ khi Hội Trợ giúp NKT Việt Nam tại Bình Phước phối hợp Sở Y tế mở lớp tập huấn “Chăm sóc giảm nhẹ” dành cho nhân viên y tế, hội chữ thập đỏ cơ sở và anh Dũng được y tế phường Tân Bình chọn để quan tâm giúp đỡ.

Luyện tập tay, di chuyển chân cùng các dụng cụ hỗ trợ, anh Dũng cười nói luôn miệng. Anh còn tếu táo để mọi người cùng cười. Với anh, được đông người đến hỗ trợ, động viên như những ngày qua là niềm hạnh phúc khó tả. “Đôi chân này hôm nay ngoan quá, nói là nghe lời, di chuyển theo ý mình liền. Có lẽ đông người nên nó sợ. Mọi hôm nó biểu tình ghê lắm, mình muốn bên này nó ngoẹo bên kia... đến nản!” - anh hài hước.

Thạc sĩ Nguyễn Ánh Chí, Phó giám đốc Dự án “Chương trình thực thi chính sách và trị liệu cho NKT” (Direct) tại Bình Phước - người chịu trách nhiệm về triển khai chương trình chăm sóc giảm nhẹ tại tỉnh, bày tỏ: “Chăm sóc giảm nhẹ tại nhà cho bệnh nhân đã mang lại hiệu quả tích cực, kiểm soát được hầu hết các vấn đề dẫn đến than phiền của người bệnh, giảm các triệu chứng khó chịu, đau đớn và kể cả giải quyết nhu cầu tâm lý của người bệnh cũng như gia đình. Vì thế, người bệnh và gia đình hài lòng về dịch vụ chăm sóc tại nhà thông qua phương pháp chăm sóc giảm nhẹ. Ở các nước trên thế giới, những nơi tuy có đầy đủ nhân viên y tế, thuốc men và trang thiết bị y tế hiện đại nhất vẫn có những người bệnh không thể chữa trị và chăm sóc giảm nhẹ đã hỗ trợ rất tốt”.

Giảm nhẹ nỗi đau

Thông thường, nhân viên y tế chỉ tập trung vào các vấn đề thuộc về cơ thể, bệnh tật và điều trị. Nhưng con người không chỉ đơn thuần thể chất mà còn hoạt động trí óc, trạng thái tinh thần và tình cảm. Vì thế, với những bệnh đòi hỏi thời gian điều trị rất dài, tốn nhiều tiền, người bệnh phải “sống chung với bệnh” hoặc các bệnh hiểm nghèo... thì băn khoăn, đau khổ về tâm lý, xã hội và tinh thần là khó tránh khỏi. Đôi khi lo âu, suy sụp tinh thần còn tác động xấu hơn tới bệnh tật. Vì thế, chăm sóc giảm nhẹ giúp người bệnh không chỉ cải thiện bệnh tình mà còn tạo tinh thần tốt hơn, tránh lo lắng, sợ hãi, buồn chán, giận dữ... Những người làm công việc chăm sóc giảm nhẹ cũng đã được dạy điều căn bản nhất là không bao giờ được nói: “Chúng tôi không thể làm gì được nữa!”. Và khi dành tâm huyết với công việc có thể đem lại sự cải thiện không ngờ về tình trạng của người bệnh. Mỗi người bệnh có các nhu cầu khác nhau và các nhu cầu này cần được đánh giá, trao đổi, chia sẻ giữa những người đang chăm sóc họ. 

Bà Nguyễn Ánh Chí cho biết: “Chúng ta không thể chữa lành được bệnh mà y học đã xác định là không chữa được. Nhưng chúng ta có thể kiểm soát được rất nhiều triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh. Dù không thể xóa đi nỗi đau mất mát, nhưng chúng ta có thể ở bên cạnh những ai đang đau buồn và chia sẻ với họ nỗi buồn, không có được tất cả câu trả lời, nhưng chúng ta có thể lắng nghe tất cả câu hỏi”.

Đi về phía người yếu thế

Chị Huỳnh Thị Thanh Huệ, y tế thôn bản kiêm Chi hội trưởng Chữ thập đỏ khu phố Tân Trà, phường Tân Bình rất vui khi được tập huấn về tiếp xúc, hỗ trợ, chăm sóc NKT nặng và đặc biệt nặng tại cộng đồng. Chị Huệ nói: “Mình rất vui bởi những điều học được mới mẻ và bổ ích. Hoàn thành khóa học, mình sẽ hỗ trợ NKT tại khu phố, nhất là những trẻ em, NKT hoàn cảnh khó khăn...”.

Với chị Lưu Thị Thu, nhân viên y tế xã Đồng Tâm (Đồng Phú), học chuyên ngành y, được tập huấn về chăm sóc đặc biệt thì rất háo hức. “Nhân viên y tế thường tập trung vào điều trị bệnh tật. Ngay cả khi họ đau đớn, buồn phiền chúng tôi cũng không biết làm gì ngoài chuyên môn, giúp họ bớt đau về thể xác. Nay được học bài bản, chúng tôi đã biết cách động viên tinh thần, giúp người bệnh lấy ý chí, sự nỗ lực của bản thân để cải thiện bệnh. Giải quyết được vấn đề về tinh thần cho người bệnh và gia đình đang phải gánh chịu sẽ tác động rất tích cực tới quá trình điều trị, kết quả bệnh của họ” - chị Thu chia sẻ.

Khi được bồi dưỡng, hoàn thiện kỹ năng, những cán bộ, nhân viên y tế, y tế thôn bản, tình nguyện viên các trung tâm phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, nạn nhân chất độc da cam và người chăm sóc NKT đã không còn lo lắng về những tình huống khó khăn vẫn thường gặp. Họ kiểm soát được triệu chứng của người bệnh, biết vỗ về, ân cần hỏi han, lắng nghe người bệnh và tiếp nhận những lợi ích không ngờ.

Bà Mai Thị Kim Hoàng, điều phối viên của Chương trình thực thi chính sách và trị liệu cho NKT tại Bình Phước cho biết: “Việc chăm sóc giảm nhẹ đã đáp ứng và làm giảm các loại tổn thương về thể chất, tâm lý, xã hội và tinh thần. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cả người bệnh và gia đình họ. Mục đích của việc chăm sóc giảm nhẹ là cải thiện chất lượng sống của người bệnh, giúp thời gian còn lại của người bệnh, cho dù được tính bằng năm, tháng hay vài ngày cũng trở nên ý nghĩa, thanh thản với mức tốt nhất có thể”. 

Ngọc Tú

  • Từ khóa
62663

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu