Thứ 6, 19/04/2024 10:12:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:00, 26/08/2016 GMT+7

Giảm nghèo ở Đắk Nhau vẫn khó

Thứ 6, 26/08/2016 | 09:00:00 138 lượt xem
BP - Với số hộ nghèo chiếm 10,85% tổng số hộ dân của toàn xã theo phương pháp tiếp cận đa chiều nửa đầu năm 2016, Đắk Nhau đang là một trong 3 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện Bù Đăng. Dù chính quyền đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhưng giảm nghèo thật sự là bài toán khó đối với Đắk Nhau - nơi có xuất phát điểm thấp và đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống.

Thiếu tư liệu sản xuất và vốn là nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo ở xã Đắk Nhau. Con cái trong độ tuổi đi học, không một tấc đất cắm dùi và phải đi ở trọ nhiều năm liền nên dù cố gắng làm thuê, gia đình bà Đỗ Thị Sự, thôn Thống Nhất vẫn chưa thể thoát nghèo. Số tiền làm thuê, bà phải dè sẻn lắm mới đủ chi cho 4 miệng ăn và thuê phòng trọ. Đã vậy, chồng bà còn lâm bạo bệnh rồi mất để lại số nợ lớn cho vợ con gánh trả.

Bà Sự vừa nhìn đôi bàn tay chai sạn vừa kể: “Nhà tôi không có đất sản xuất, khi chồng còn sống lại ốm đau triền miên nên không vươn lên được. Nợ cũ chưa trả hết, nợ mới đã chồng lên. Mà tôi thì già rồi nên sức khỏe kém, ít người thuê làm”. 2 năm gần đây, bà được người hàng xóm tốt bụng cho mua thiếu 3 sào đất. Ngôi nhà tạm bợ của bà được dựng lên trên nền đất rẫy nhưng số cà phê mới cho thu hoạch năm đầu cũng chỉ vừa đủ trả tiền phân bón.

Phần lớn hộ nghèo trên địa bàn xã Đắk Nhau đều không có việc làm ổn định, đi làm thuê được ngày nào hay ngày đó và chủ yếu làm theo mùa vụ. Hết ngày mùa, họ chỉ quanh quẩn ở nhà, trong đó, đa phần là các hộ đồng bào DTTS. Chị Trần Tuyết Nga, thôn Thống Nhất nói: “Bình thường tới mùa thì mình đi hái chồi cà phê cho người dân trong vùng. Hết mùa, mình ở nhà chứ không có việc gì làm hết”. Chị Nga là dân tộc Khơme, từ miền Tây lên sinh sống ở thôn Thống Nhất hơn 10 năm nay. Thế nhưng, hiện nay 3 mẹ con, bà cháu vẫn phải ở trong căn nhà được dựng trên phần đất mà người khác cho mượn. Gọi là nhà nhưng thực chất chỉ là túp lều che nắng, mưa với một số vật dụng cần thiết. Khi được hỏi những ngày không đi làm lấy tiền đâu trang trải cuộc sống, chị rơm rớm nước mắt: “Hết mùa không có tiền thì mình mua gạo thiếu, tới mùa trả”. Ngồi cạnh chị, đứa con trai nhỏ năm nay đến tuổi đi mẫu giáo nhưng có lẽ sẽ phải ở nhà với bà ngoại. Bởi mẹ nó không cách nào kiếm đủ tiền mua một bộ đồng phục khi mà năm học mới đã đến gần.

Ngôi nhà tạm bợ và chiếc xe máy cũ - vật dụng đáng giá nhất của gia đình bà Đỗ Thị Sự

Ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Đắk Nhau cho biết: “Đặc thù của xã là hộ đồng bào DTTS nhiều mà đa số hộ nghèo không có đất sản xuất hoặc đông con. Hộ nghèo DTTS chi tiêu không hợp lý, chưa biết tính toán làm ăn. Xã đã tổ chức nhiều lớp học nghề giúp đồng bào có cơ hội xin việc làm ở các công ty. Nhưng làm công ty có những ràng buộc về kỷ luật lao động nên đa số đồng bào không muốn gắn bó”.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, xã Đắk Nhau có 286 hộ nghèo (chiếm 10,85%) với 1.312 người, tăng 60 hộ so với năm 2015. Trong đó, cao nhất là thôn Đắk Nung 19,43% và lần lượt các thôn Đắk Wi 15,04%, Đắk La 12,68%. Trong điều kiện vốn và đất sản xuất ngày càng hạn hẹp, việc giảm nghèo đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực từ cả chính quyền và người dân trong việc phát triển các mô hình sản xuất phù hợp, giúp họ tiếp cận với nguồn vốn vay thoát nghèo. Ông Y Yang, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Nhau nói: “Hộ nghèo ở Đắk Nhau chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Thời gian qua, xã đã cố gắng xây dựng các mô hình như nuôi bò, dê và một số mô hình trồng trọt phù hợp với tập quán sản xuất của đồng bào, đồng thời kết hợp tuyên truyền để đồng bào tự ý thức vươn lên thoát nghèo, không trông chờ quá nhiều vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước”.

Giảm nghèo chẳng thể là câu chuyện một sớm một chiều, thế nên những rào cản phải được gỡ bỏ từng bước và bắt đầu từ việc nâng cao ý thức của người dân. Chỉ có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo mới là điều kiện cơ bản nhất để người nghèo vượt qua khó khăn. Và ở Đắk Nhau, công tác tuyên truyền, vận động vẫn luôn được chính quyền, hội, đoàn thể chú trọng, đưa ra nhiều giải pháp phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực.

Hạ Băng

  • Từ khóa
56392

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu