Thứ 3, 19/03/2024 14:06:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:23, 20/05/2017 GMT+7

Giảm ít nhất 5-10% số người chết do tai nạn giao thông trên đường nông thôn

Thứ 7, 20/05/2017 | 14:23:00 126 lượt xem
BP - Đó là mục tiêu phấn đấu đưa ra trong Quyết định số 1137/QĐ-UBND, ngày 17-5 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Kế hoạch đề ra những nhiệm vụ, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương, tất cả hướng đến mục tiêu giảm ít nhất từ 5-10% số người chết do tai nạn giao thông trên đường giao thông nông thôn hằng năm một cách bền vững, không xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, 100% người tham gia giao thông khu vực nông thôn được phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT); 100% xã có tổ tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông theo thẩm quyền quy định của pháp luật, nòng cốt là lực lượng công an huyện và xã. Về kết cấu hạ tầng: Tỷ lệ mặt đường được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa đối với đường huyện đạt 100%; đường xã tối thiểu đạt 70%; các đường thôn xóm tối thiểu 50% và 45% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện. Bố trí điểm dừng xe, đậu xe tại trung tâm xã dọc theo các quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện có tuyến vận tải hành khách công cộng. Loại bỏ 100% xe ôtô và phương tiện đường thủy nội địa quá niên hạn sử dụng. 100% phương tiện đường thủy được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật. Kiểm soát và loại bỏ dần các phương tiện tự chế không được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật. 100% người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy ở khu vực nông thôn có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật. 100% thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa phù hợp với giấy chứng nhận khả năng chuyên môn. 100% xã, phường có đội sơ cấp cứu người bị tai nạn giao thông.

Trong những giải pháp về công tác quản lý nhà nước là bổ sung an toàn giao thông trở thành tiêu chí đánh giá xếp loại gia đình, khu dân cư, ấp văn hóa; xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức tôn giáo và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác bảo đảm TTATGT. Định kỳ hằng quý, 6 tháng, tổng kết năm hoặc đột xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo TTATGT nông thôn và nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng, giải pháp đưa ra là đầu tư xây dựng, nâng cấp bến xe Chơn Thành và Bù Gia Mập đạt tiêu chuẩn bến xe khách theo quy định. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp với chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển giao thông nông thôn, ưu tiên đầu tư, xây dựng đường ôtô đến trung tâm xã, xây dựng cầu dân sinh bảo đảm an toàn giao thông, đặc biệt quan tâm đến những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

L.N

  • Từ khóa
58604

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu