Thứ 5, 18/04/2024 12:28:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:18, 29/07/2015 GMT+7

Giai thoại về Nguyễn Đăng Đạo

Thứ 4, 29/07/2015 | 08:18:00 1,603 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Đăng Đạo sinh năm 1651, người xã Hoài Bão (có tục danh là làng Bịu), tổng Nội Duệ (nay là xã Liên Bảo, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Thân phụ ông là tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh, giữ chức Quốc tử giám tế tửu trong triều Lê. Nguyễn Đăng Đạo khi lên 3 tuổi đã được bác là Nguyễn Đăng Cảo cho theo lên biên giới nhân một chuyến đi tiếp sứ nhà Thanh. Sứ Thanh trông thấy Đăng Đạo còn nhỏ tuổi rất lấy làm kinh ngạc, sứ liền hỏi rằng: “Bé như vậy mà đã vượt qua trăm núi nghìn sông lam chướng hiểm trở, vẫn nhanh nhẹn, tháo vát, thật là kỳ đồng.

Lên 6 tuổi, Đăng Đạo được gia đình cho đi học và nổi tiếng thông minh, nghịch ngợm và học giỏi. Đường đi học phải qua Cầu Trợ tục gọi là Cầu Giếng, gặp những hôm trời rét đậm, Đăng Đạo thường phải vào cầu trú chân đỡ rét. Còn lưu truyền câu chuyện về cuộc đối đáp giữa ông và viên quan huyện Tiên Du. Một hôm, quan huyện đi qua thấy ông đang nằm trong cầu trú rét mà không dậy chào, cho là vô lễ quan huyện bèn tức giận hỏi: Mày là đứa nào mà thấy quan không dậy chào hỏi?

Ông ngẩng đầu lên đáp: Tôi là học trò.

Quan huyện nói: Nếu có phải là học trò dòng dõi nhà nho trong huyện này hãy ngồi dậy làm thử một bài thơ Nôm tả cảnh trời rét xem có được không?

Nguyễn Đăng Đạo trả lời: Tôi làm được.

Nói rồi ông suy nghĩ chỉ trong một lúc và ngồi dậy đọc ngay một bài thơ. Quan huyện nghe xong hết lời khen ngợi nói ông đến kỳ thi tới thế nào cũng chiếm bảng vàng.

Trên đường đi học, Nguyễn Đăng Đạo cũng thường đi ngang qua chùa Phật Tích. Chùa nằm trên núi Lạn Kha, do vua Anh Tông nhà Lý dựng lên, cung son, điện vẽ san sát. Chính trong thời kỳ Lê Trung này, vị sư Trung Hoa Chuyết Công thiền sư, người đã từng đi thuyền vượt bể chở hơn ba vạn quyển kinh Tam Tạng sang nước Nam, lên núi Lạn Kha bỗng như hiểu ra điều gì đã nhận làm sư trụ trì ở chùa Phật Tích. Nhà sư rất yêu quý Nguyễn Đăng Đạo, mỗi khi ông qua chùa, sư thường lấy trầu cau ra mời. Một hôm, Nguyễn Đăng Đạo đùa, lấy hộp trầu cau ra, viết một chữ “Hiến” vào dưới đáy hộp rồi đi học. Lúc ông trở về, nhà sư đón đường mời vào và bảo rằng: Đó là chữ “Nam” và chữ “Khuyển” hợp lại. Ta vốn biết nhà thầy sẽ là Trạng nguyên của nước Nam, nhưng thầy có muốn nổi tiếng cả ở triều đình Trung Quốc hay không?

Nguyễn Đăng Đạo nghe xong giật mình sụp lạy, xin sư dạy bảo cho. Sau đó, nhà sư trao cho ông một quyển sách và dặn rằng: Đó là một quyển sách bí mật, khoảng năm Sùng Trinh Thuận trị (niên đại Trung Hoa) bản in bị cháy, nhà thầy nên đọc kỹ sẽ thành tài.

Nhờ vậy, Nguyễn Đăng Đạo vốn đã thông minh lại càng trở lên thông minh, biết được nhiều điều vượt ra ngoài ý nghĩa của đời thường. Năm 16 tuổi, ông Đăng Đạo đi thi đỗ tam trường. Đến năm 19 tuổi, ông đi thi hương đỗ đầu hương cống, được theo với đường quan và học ở Quốc Tử Giám. Nhà ông ở làng Hoài Bão cách kinh thành Thăng Long xa, thế mà sáng nào Đăng Đạo cũng dậy từ sớm nấu ăn ra kinh đô kịp nghe giảng sách buổi sáng. Ông tiếp thu kiến thức giỏi, tỏ ra có sức học phi thường, được bạn bè đồng học mến phục.

Lời bàn:

Sau khi đỗ đạt và ra làm quan, bằng uy tín của mình, cùng với đức tính trung thực, thẳng thắn và liêm khiết của mình, Nguyễn Đăng Đạo đã dám phê phán những việc chưa nghiêm, chưa đúng phép nước của chúa Trịnh, khi chúa ngày càng tỏ ra lấn lướt các vua Lê. Chính vì vậy, không phải chỉ có chúa Trịnh mà cả triều đình đương thời phải nể phục ông. Ngoài công việc nội trị, phải kể đến sự đóng góp quan trọng trên trận tuyến bang giao của trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo. Văn tài của Nguyễn Đăng Đạo đã làm kinh ngạc cả triều đình nhà Thanh cùng sứ thần các nước. Vua nhà Thanh phong cho ông là trạng nguyên của Bắc triều, ban mũ áo, võng lọng cho ông vinh quy về nước. Đoàn sứ bộ mỗi khi ghé qua các tỉnh của nước Thanh ngày ấy đều được đón rước long trọng.

Từ xưa, sứ thần nước ta trong bất kỳ tình huống nào, trước sự áp chế, thử thách của nước lớn phương Bắc cũng phải rất mực thông minh, mưu trí, ứng đối mau lẹ, giữ vững khí tiết sứ thần của một nước Đại Việt có truyền thống văn hiến, có độc lập chủ quyền, có cương vực riêng... Nguyễn Đăng Đạo đã đạt được phong độ của một vị sứ thần mẫu mực. Kết hợp cương nhu, bằng học vấn uyên thâm, trí thức thông tuệ, ông đã dành được thắng lợi cho cuộc thương lượng về biên giới kéo dài và căng thẳng đến vài chục năm giữa ta và triều đình nhà Thanh. Qua đó, không những ông bảo vệ được quốc thể mà còn làm cho quốc thể thêm long trọng nhờ tài năng siêu việt của mình. Nguyễn Đăng Đạo xứng đáng là tấm gương ngoại giao đại tài của đất nước thời Lê Trung Hưng.

N.D

  • Từ khóa
109689

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu