Thứ 3, 16/04/2024 11:28:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:22, 09/04/2017 GMT+7

Giai thoại về Nguyễn Chích

Chủ nhật, 09/04/2017 | 13:22:00 2,954 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, thời gian đầu dựng cờ khởi nghĩa, Nguyễn Chích lập căn cứ tại núi Hoàng và núi Nghiêu. Đây là khu vực địa thế hiểm yếu, nhiều hang động, đường đi hiểm hóc nên quân Minh không dám đem đại quân đến đàn áp. Để chiêu hiền đãi sĩ, anh hùng hào kiệt đến tụ nghĩa, Nguyễn Chích đã chọn động Chân Nghĩa ở núi Nghiêu làm nơi tiếp đón.

Về chuyện đời tư của Nguyễn Chích, mối tình của ông đến rất tình cờ. Đó là khi Nguyễn Chích vẫn là người đứng đầu lực lượng khởi nghĩa ở vùng núi Hoàng và núi Nghiêu, anh hùng nhân sĩ cùng chí hướng tìm đến tham gia khá nhiều. Chuyện xưa kể lại rằng: Một hôm, khi ông đang ở trong doanh trại thì nghe nghĩa binh vào báo rằng có một tráng sĩ trẻ xin gặp chủ tướng. Khi người đó bước vào, Nguyễn Chích thấy là một chàng trai dáng người nhỏ nhắn, thư sinh tưởng chừng trói gà không chặt, ông liền cất tiếng hỏi: Anh có tài năng gì, vì sao lại tìm đến đây?

Tráng sĩ đáp bằng giọng nói nhỏ nhẹ nhưng cương quyết và rất ngắn gọn: Tôi vốn học võ từ nhỏ, nay vì căm thù giặc nên đến xin đầu quân.

Nguyễn Chích liền nói: Anh đã nói như vậy, giờ hãy trổ tài cho ta xem.

Sau đó, ông mời tráng sĩ ra ngoài tỷ thí võ nghệ với một bộ tướng của mình, không ngờ chỉ một thoáng, qua vài đường võ thuật tráng sĩ trẻ đã đánh ngã viên tướng kia. Tiếp sau thì lần lượt hạ hết tướng này đến tướng khác khiến cả doanh trại từ chủ tướng Nguyễn Chích đến nghĩa binh ai nấy đều kinh ngạc, khâm phục. Thấy người đó tuổi trẻ tài cao, Nguyễn Chích rất mừng bèn thu nhận vào đội quân của mình. Từ đó, qua việc quân hằng ngày, để ý thấy tráng sĩ kia có điều gì khác hẳn với mọi người, ông nghi ngờ vì dáng vẻ thùy mị, khuôn mặt, làn da, vóc dáng, đi đứng, bàn tay nhỏ nhắn; tất cả như những đường nét của một người con gái.

Quyết tâm giải đáp những thắc mắc của mình, Nguyễn Chích liền cho tổ chức một cuộc thi đấu vật cho toàn quân, lệnh ban ra ai cũng phải tham dự. Lúc đó, tráng sĩ trẻ kia tìm cách từ chối khéo, thế nhưng trước mệnh lệnh và sự thúc ép của binh tướng, ở vào cảnh không thể làm sao được nữa, tráng sĩ kia đành thú thực với Nguyễn Chích rằng mình là gái giả trai, tên Nguyễn Thị Bành. Và không lâu sau, vốn phục tài đức của nhau, Nguyễn Chích đã lấy Nguyễn Thị Bành làm vợ và phong làm phó tướng. Người vợ này trong giỏi nội trợ, ngoài tường binh thư kiếm pháp, đặc biệt lại cũng có tài nuôi chim bồ câu giống như chồng.

Từ nhỏ, Nguyễn Chích đã được cha truyền nghề nên ông có biệt tài nuôi chim bồ câu rất giỏi. Bồ câu được dạy một cách khéo léo, để xem khả năng của mỗi con, người ta đặt một chậu nước giữa sân, rồi cho chim tung cánh lên trời. Những con chim nào dạy khéo sẽ bay rất thẳng, đến nỗi, bay cao lên tít mây xanh mà bóng chim vẫn in trong chậu nước. Nguyễn Chích đã tập cho đàn chim của ông bay khéo như vậy và còn luyện cho chúng mang thư từ và đồ nhẹ đến nơi định sẵn và bay trở về.

Bấy giờ Nguyễn Thị Bành trở thành trợ thủ đắc lực cho chồng trong việc huấn luyện đội quân chim bồ câu. Không chỉ vậy, nàng còn nhiều lần tham gia chiến trận, đáng kể nhất là trận giữ thành Yên Mỗ. Tòa thành này là một trong những địa điểm quân sự do Nguyễn Chích xây dựng, ở vị trí hiểm yếu nên quân Minh rất muốn triệt hạ. Tướng giặc là Trương Phụ có lần huy động một lực lượng khá đông đến vây hãm, Nguyễn Thị Bành đã cùng chồng chỉ huy quân lính đánh cho quân giặc một trận thất điên bát đảo, giữ vững căn cứ.

Khi Nguyễn Chích gia nhập với quân khởi nghĩa Lam Sơn, ông cùng vợ mang toàn bộ binh sĩ và cả đàn bồ câu đi theo để giúp việc truyền tin. Có lần căn cứ Lam Sơn bị đánh úp, ở doanh trại chỉ có Lê Lợi và Nguyễn Chích cùng mấy trăm quân túc vệ. Giặc Minh ở ngoài vây rất chặt, khó có thể phá được vòng vây hay cử người đi báo tin giải cứu. Nguyễn Chích liền thả chim bồ câu đi đưa thư gọi được các cánh quân về cứu viện, trong đánh ra, ngoài đánh vào làm cho vòng vây của giặc tan vỡ.

Lời bàn:

Với những tài liệu lịch sử còn lưu truyền đến ngày nay, chúng ta có thể khẳng định rằng, nét đặc sắc, mới mẻ trong đường lối chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Minh mà Lê Lợi và Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn thực hiện là dựa vào nhân dân để tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhìn vào lực lượng nghĩa binh và bộ chỉ huy, tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa, có thể thấy rõ tính chất nhân dân rộng rãi và đây là đặc điểm nổi bật không có ở các cuộc khởi nghĩa khác chống Minh trước đó. Dựa vào sức mạnh của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, không phân biệt đẳng cấp, già trẻ, nam nữ... Và góp phần vào chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn, có những công lao to lớn của những người phụ nữ, đó là các bà vợ của Lê Lợi, vợ của tướng quân Nguyễn Chích.

Đây là một cống hiến sáng tạo to lớn về đường lối chiến tranh của Lê Lợi và bộ tham mưu của ông, để lại một kinh nghiệm lịch sử quý giá cho hậu thế. Tiếc rằng, chính sử không nhắc gì đến người vợ tài năng của Nguyễn Chích, nhưng sự nghiệp của ông có sự đóng góp ít nhiều của người vợ hiền Nguyễn Thị Bành. Mặc dù vậy, song người đương thời và hậu thế không bao giờ quên công lao ấy của bà.

N.D

  • Từ khóa
109902

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu