Thứ 7, 20/04/2024 04:06:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:16, 26/09/2019 GMT+7

Giai thoại về lời nguyền

Thứ 5, 26/09/2019 | 14:16:00 3,122 lượt xem

BP - Lịch sử ghi nhận số phận long đong khiến vua Lý Huệ Tông - vị vua áp cuối của nhà Lý - là triều đại huy hoàng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nhưng lại lâm vào cảnh dân chúng lầm than, đói khổ và giặc giã liên tiếp nổi lên ở khắp nơi. Vì thế, nhà vua đành phải dựa vào một chi của dòng họ Trần nhiều quyền lực. Trên đường chạy loạn, ông đã gặp mối lương duyên định mệnh Trần Thị Dung - người ông hết lòng yêu thương và bảo vệ. Nhưng đó cũng chính là những giọt nước cuối cùng tràn ly dẫn đến sự tuyệt diệt của triều đại nhà Lý.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, đứng đầu quyền lực nhà Lý lúc bấy giờ là Trần Tự Khánh - anh ruột của hoàng hậu Trần Thị Dung. Sau khi Trần Tự Khánh mất, địa vị đó lọt vào tay người em họ của Khánh là Trần Thủ Độ. Sau 1 năm nắm quyền, Thủ Độ đã ép buộc vua Lý Huệ Tông phong cho công chúa Chiêu Thánh, tức Lý Chiêu Hoàng khi đó vừa tròn 7 tuổi làm thái tử rồi nhường ngôi. Sau đó, Lý Huệ Tông trở thành thái thượng hoàng, rồi xuất gia đi tu ở chùa Bút Tháp, lấy pháp danh là Huệ Quang.

Tưởng chừng Lý Huệ Tông đã an phận với đời tu hành, nhưng chỉ 2 năm sau, vào năm 1226, Trần Thủ Độ sợ lòng dân vẫn hoài niệm vua cũ nên ông đã quyết định kết liễu sinh mạng của Lý Huệ Tông. Chuyện xưa kể lại rằng, vào hôm Trần Thủ Độ đến chùa tìm Lý Huệ Tông, khi đó thấy ông đang nhổ cỏ ở vườn chùa thì liền nói rằng: Nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc. Huệ Quang đại sư đáp: Điều người nói, ta đã hiểu. Và sau đó, nhà sư Huệ Quang đã treo cổ tự tử.

Tương truyền, trước khi chết, ông vua triều Lý này có để lại lời nguyền: Các ngươi đã cướp thiên hạ của ta, nay lại còn giết ta. Nay ta chết như thế nào, con cháu các ngươi sau này cũng bị như thế.Chuyện vua Lý nguyền rủa dòng họ Trần không thấy sử sách nào ghi chép lại, vì thế giai thoại này có lẽ là do người đương thời hoặc đời sau thêu dệt mà có, bởi trong những thời khắc và hoàn cảnh như vậy khó có ai là người làm chứng, mà chỉ là nghe nói, nghe đồn rồi truyền lại mà thôi.

Tuy nhiên, có một sự thật là kết thúc của vương triều Trần sau đó gần 200 năm cũng có rất nhiều điểm tương đồng với kết cục triều đại nhà Lý. Những năm cuối thế kỷ XIV, triều Trần lần lượt để quyền lực rơi vào tay dòng họ ngoại. Hồ Quý Ly có 2 người cô làm vợ vua Trần Minh Tông. Đến đời vua Trần Nghệ Tông, vua càng tin dùng Hồ Quý Ly, đến mức hầu như quần thần đều thấy rõ bụng dạ muốn thoán đoạt ngôi vua của vị tướng ngoại thích này.

Sau vụ việc Phế Đế Trần Hiện bị Quý Ly trừ khử, thượng hoàng Nghệ Tông lập con trai mình mới 11 tuổi lên ngôi là Trần Thuận Tông. Vị vua ở tuổi thiếu niên này được sắp đặt lấy con gái của Hồ Quý Ly và tất nhiên Hồ Quý Ly trở thành quốc trượng. Bên cạnh người con rể là hoàng đế ở tuổi thiếu niên, chính Quý Ly mới là ông vua thực sự. Năm 20 tuổi, Thuận Tông bị cha vợ ép phải xuống chiếu nhường ngôi cho con trai mới 2 tuổi là thái tử An, cũng là cháu ngoại của Hồ Quý Ly. Việc này xảy ra tương tự như thời của vua Lý Huệ Tông. Sau khi trở thành thái thượng hoàng, Trần Thuận Tông bị ép đi tu ở đạo quán Ngọc Thanh, mà xung quanh luôn có tai mắt của họ Hồ giám sát. Cũng như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly muốn nhổ cỏ tận gốc nên đã sai người đưa đến cho Thuận Tông một bài thơ, trong đó có câu: Sao không sớm liệu đi; Để cho người nhọc sức?

Sau đó, Trần Thuận Tông uống thuốc độc nhưng vẫn không bỏ được cuộc đời ô trượt. Cuối cùng lại bị tay chân của cha vợ tàn nhẫn thắt cổ và chết ở tuổi 21. Có lẽ câu ca dao mà nhân dân bao đời xưa đã lưu truyền nhằm khuyến thiện, trừ gian phản loạn vẫn ít nhiều phù hợp với trường hợp mà người ta hay tin vào lời nguyền báo ứng vừa kể: Đời trước quả báo còn xa; Đời sau quả báo diễn ra nhãn tiền.

Lời bàn:

Theo sử cũ thì các sử gia thời Trần không hề lưu lại việc làm của Trần Thủ Độ cũng như lời nguyền của Lý Huệ Tông, mà giai thoại này chỉ được dân gian lưu truyền vào thời kỳ cuối của nhà Trần. Bởi vào lúc đó, lời nguyền của Lý Huệ Tông rất có lợi cho Hồ Quý Ly, vì điều này cho thấy việc nhà Trần mất ngôi cũng giống như cái giá của chuyện nhân quả. Hơn nữa, khi nhà Trần hưng thịnh thì giai thoại như vậy không thể tồn tại và càng không thể được đưa vào chính sử. Liệu giai thoại đó có phải người của Hồ Quý Ly thời kỳ mạt Trần tung ra để mê hoặc nhân tâm không?

Và giai thoại nêu trên cũng rất có lợi cho nhà Lê. Bởi bản thân khi Lê Lợi ban đầu dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn cũng phải mượn cái danh của Trần Cảo là để đối phó với chiêu bài của nhà Minh và cũng để có sự chính danh khi hiệu triệu thiên hạ. Do vậy, các sử gia nhà Lê có thể dễ dàng chấp nhận “thuyết” về lời nguyền của Lý Huệ Tông để giúp người trong thiên hạ dễ dàng chấp nhận việc nhà Trần phải lui xuống vũ đài lịch sử và càng đề cao sự chính thống của triều đại nhà Lê... Vâng, có thế mới hay thời phong kiến loạn lạc, ngôi vua quý hơn nhiều so với tình thâm nghĩa trọng ở gia đình hay cao hơn đạo quân - thần là như vậy!

N.D

  • Từ khóa
110236

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu