Thứ 5, 25/04/2024 07:45:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 16:38, 15/02/2019 GMT+7

Giải pháp phát triển hội viên nông dân trong giai đoạn mới

Thứ 6, 15/02/2019 | 16:38:00 3,709 lượt xem
BP - Đến nay, toàn tỉnh có 90.450 hội viên nông dân, đạt 64,44% số hộ nông nghiệp, trong đó 17.829 hội viên nòng cốt. Năm 2018, toàn tỉnh kết nạp 6.530 hội viên nông dân, đạt 100,5% chỉ tiêu Trung ương giao; phát triển mới 778 hội viên nòng cốt, đạt 155,6% chỉ tiêu giao. Tuy nhiên, những con số này vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra là trên 80% số hộ nông nghiệp có hội viên nông dân.

Từ những khó khăn

Những năm qua, mặc dù công tác phát triển hội viên được mở rộng đối tượng theo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam và sự quan tâm của hội nông dân các cấp trong tỉnh nhưng vẫn không đạt yêu cầu, thậm chí ở một số huyện, thị còn giảm mạnh. Đáng chú ý Bù Đăng là huyện nông nghiệp, dân số nông thôn chiếm 93,18% nhưng năm 2018, một số cơ sở hội có tỷ lệ hội viên giảm mạnh như Bom Bo 495 hội viên, Nghĩa Bình 257 hội viên, Đăng Hà 241 hội viên. Nguyên nhân là do tỷ lệ dân bản địa của huyện Bù Đăng chỉ chiếm 40% dân số, phần lớn từ nơi khác đến lập nghiệp làm kinh tế. Những năm gần đây, do giá đất nông nghiệp tăng đột biến nên nhiều hộ có xu hướng chuyển đến các huyện, tỉnh khác như Đắk Nông, Lâm Đồng để lập nghiệp. Mặt khác, do chia tách địa bàn tại xã Đăng Hà chuyển 241 hội viên thuộc Chi hội 1 và Chi hội 3 về sinh hoạt tại xã Đắk Lua (tỉnh Đồng Nai). Đội ngũ cán bộ thường xuyên thay đổi, thiếu kinh nghiệm nên khó khăn trong công tác quản lý, tập hợp hội viên.

Sở Công Thương phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh tổ chức hội thảo đầu bờ hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây điều tại xã Long Hà (Phú Riềng)

Bên cạnh đó, đời sống của hội viên nông dân gặp nhiều khó khăn do giá các mặt hàng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, gia cầm ngày càng tăng nhưng các mặt hàng nông sản cao su, tiêu, heo, gà giảm sâu, chậm phục hồi. Ở huyện Phú Riềng, số đàn heo, gà giảm mạnh, có hộ chăn nuôi heo phá sản phải bỏ chuồng trại chuyển sang nghề khác. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài, lốc xoáy, sâu bệnh hại đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp, nhiều diện tích điều bị thiệt hại nghiêm trọng, mất trắng không cho năng suất hoặc năng suất thấp... gây khó khăn cho việc thu hút, tập hợp nông dân tham gia tổ chức hội.

Số hội viên giảm còn do công tác theo dõi, tổng hợp, quản lý số liệu hội viên, hộ hội viên ở huyện, thị chưa chính xác. Một số mô hình tập hợp hội viên còn mang tính hình thức, không có quy chế, kế hoạch hoạt động. Nội dung sinh hoạt nghèo nàn, hình thức sinh hoạt chưa phong phú, chưa lồng ghép các hoạt động của hội vào hoạt động của mô hình. Công tác sơ, tổng kết, đánh giá kinh nghiệm trong xây dựng mô hình điểm, nhân rộng các mô hình có hiệu quả ở cấp huyện và cơ sở còn ít. Kỹ năng tuyên truyền, vận động tập hợp hội viên ở một số cơ sở hội còn hạn chế.

 Đến các giải pháp

Dự báo trong những năm tới, tình hình quy hoạch các khu công nghiệp thương mại và dịch vụ phát triển; cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới sẽ tăng mạnh, diện tích đất nông nghiệp giảm, số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp chuyển đổi sang làm công nhân và ngành nghề khác nhiều, do đó công tác phát triển hội viên sẽ gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế đó, để công tác phát triển hội viên đạt chất lượng và hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh đã đề nghị các cấp hội trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục hội viên học tập nâng cao kiến thức về mọi mặt, trọng tâm là tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ sản xuất nông nghiệp để nông dân tiếp cận và sớm thích ứng với việc sản xuất theo hướng công nghệ cao. Chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, nhất là chủ trang trại; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Tập trung dạy nghề theo hướng khởi nghiệp để nông dân lựa chọn nghề phù hợp với năng lực, điều kiện và yêu cầu chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng cơ cấu thị trường lao động có tri thức, tay nghề, kỷ luật cao. Quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền, đa dạng hình thức thông qua mạng xã hội để học hỏi, nắm bắt, chia sẻ thông tin và tiếp cận nhanh công nghệ thông tin để tiến tới xây dựng các câu lạc bộ nông dân tự nguyện liên kết trong chăn nuôi, sản xuất tiêu thụ hàng hóa...

Các cấp hội cũng chủ động sáng tạo đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội, đoàn kết tập hợp nông dân, coi trọng chất lượng hội viên. Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi, tổ hội theo hướng thiết thực gắn với quyền lợi, nhu cầu, nguyện vọng của hội viên. Phối hợp tổ chức đưa nông dân đi nghiên cứu, học tập các mô hình phát triển phù hợp trong và ngoài tỉnh để ứng dụng vào sản xuất tại địa phương. Quản lý chặt chẽ các nguồn vốn, quỹ đúng quy định; phối hợp triển khai có hiệu quả công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng tạo sự tin tưởng, đồng thuận và vai trò của tổ chức hội để thu hút, tập hợp nông dân tham gia tổ chức hội. Sự đổi mới mạnh mẽ và quyết tâm thực hiện đồng bộ các biện pháp gắn chặt với nhu cầu thực tiễn của địa phương, phù hợp thị trường sẽ tạo đà để nông dân Bình Phước vươn xa và từng bước hội nhập quốc tế. 

Phương Dung

  • Từ khóa
31711

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu