Thứ 5, 18/04/2024 19:34:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:25, 08/06/2018 GMT+7

Giải pháp nào cho “bệnh thành tích”?

Thứ 6, 08/06/2018 | 08:25:00 2,305 lượt xem
BP - Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Thị Thủy về bệnh thành tích trong ngành giáo dục trước Quốc hội sáng 6-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây không chỉ là vấn đề dừng lại ở quy định mà còn liên quan tới văn hóa và thói quen của một bộ phận không nhỏ những người làm trong ngành giáo dục tại Việt Nam.

“Bệnh thành tích” là cụm từ quen thuộc và đang là một thực trạng đáng buồn của ngành giáo dục nước ta. Bởi sau hơn 10 năm ngành phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, căn bệnh này vẫn không thuyên giảm mà còn có biểu hiện trầm kha hơn. Trên thực tế, do bệnh thành tích, hầu hết các trường đều tự đặt cho mình các chỉ tiêu vượt xa thực tế với mục đích cuối cùng là làm sao thành tích năm sau phải cao hơn năm trước về mọi mặt. Thậm chí so sánh với các trường khác và đuổi theo thành tích trường bạn đã đạt được để không “thua chị kém em”, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng học sinh mỗi trường mỗi khác.

Cũng vì thành tích mà nhiều giáo viên gặp không ít áp lực. Bởi để học sinh lưu ban hoặc lớp có nhiều học sinh yếu, trung bình sẽ bị cắt thi đua - khen thưởng cuối năm, ảnh hưởng đến việc tăng lương; bị kiểm điểm vì ảnh hưởng đến thành tích chung của trường... Căn bệnh này còn “lây” sang các bậc phụ huynh, bởi ai cũng muốn con mình được đánh giá là giỏi giang, thành tích học tập tốt nên nhiều học sinh rất sợ cha mẹ biết mình học kém hay bị điểm thấp. Vì thành tích chung của trường và không muốn gây tổn thương cho nhận thức non nớt của các em (không ít bậc cha mẹ thường giận dỗi, thậm chí đánh đập khi biết con mình học kém), nhiều giáo viên đã tạo điều kiện cho học sinh bằng cách nâng điểm số hoặc “vớt” lên lớp.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, bộ đã có những văn bản yêu cầu bỏ nhiều cuộc thi, đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn để tiến tới việc không công nhận điểm các cuộc thi vào thành tích thi đua để kết quả phải phản ánh được chất lượng giáo dục thực tế; đồng thời hướng tới việc thầy cô nào có sáng tạo sẽ được khuyến khích, biểu dương chứ không đăng ký thành tích nữa. Tuy nhiên, để xóa bỏ triệt để căn bệnh này, ngoài thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, ngành giáo dục không nên đề ra các tiêu chí thi đua thiếu hợp lý. Các trường, thầy cô phải đánh giá thực chất việc học của học sinh. Khung đánh giá năng lực học sinh cũng phải toàn diện hơn, bởi ngoài điểm số còn là sự tiến bộ của học sinh qua những lời chỉ bảo, nhận xét khéo léo, chân tình của giáo viên và cả phần tự đánh giá của gia đình cùng các kỹ năng khác.

Điều quan trọng nhất là phải lấy sự tiến bộ của học sinh để khen thưởng chứ không phải lấy kết quả học tập để đánh giá và đội ngũ giáo viên phải là lực lượng tiên phong trong vấn đề này. Các chỉ tiêu thi đua phải được xây dựng trên cơ sở thực tế, đặc thù của từng môn, từng trường, từng vùng... và không để các trường phải chạy đua vì thành tích. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới người dạy, người học, cha mẹ học sinh và toàn xã hội về yêu cầu dạy và học thực chất; cổ vũ, động viên, tôn vinh sự đổi mới sáng tạo trong dạy và học; tạo môi trường lành mạnh, sự đồng thuận trong trường học và xã hội.

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu