Thứ 6, 29/03/2024 03:42:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 14:23, 06/03/2019 GMT+7

Giải pháp hạn chế tai nạn giao thông

Thứ 4, 06/03/2019 | 14:23:00 543 lượt xem

BP - Sáng 4-1-2019, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm 2018, tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí (giảm 6,71% về số vụ, giảm 0,4% số người chết và giảm 13,13% số người bị thương). Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm giảm TNGT nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào mang lại hiệu quả một cách căn cơ. Hy vọng bài viết sẽ giúp cơ quan chức năng tháo gỡ được vướng mắc nêu trên.

Những con số đau lòng

Trong năm 2018, toàn quốc xảy ra 18.736 vụ TNGT, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ TNGT giảm 1.348 vụ, số người chết giảm 33, số người bị thương giảm 2.238 người. Về lĩnh vực hàng không dân dụng, năm 2018 xảy ra 80 sự cố; trong đó có 2 sự cố nghiêm trọng, 8 sự cố uy hiếp an toàn cao, 70 sự cố uy hiếp an toàn. Như vậy, trung bình mỗi ngày cả nước xảy ra hơn 50 vụ tai nạn và có 23 người chết do TNGT. Tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thiệt hại do TNGT lên nền kinh tế khoảng 2,5-3% GDP/năm, tức là mỗi năm TNGT ở Việt Nam gây tổn thất gần 115.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 300 tỷ đồng/ngày.

Một buổi tuyên truyền, triển lãm hình ảnh trực quan về giao thông và tai nạn giao thông của Công an huyện Chơn Thành - Ảnh: Sỹ HòaMột buổi tuyên truyền, triển lãm hình ảnh trực quan về giao thông và tai nạn giao thông của Công an huyện Chơn Thành - Ảnh: Sỹ Hòa

Nguyên nhân dẫn đến TNGT thì có nhiều, song theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông kém. Nhất là đối với những vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều do lỗi của người lái xe, như: Sử dụng rượu, bia trước khi lái xe; sử dụng ma túy; chủ quan khi điều khiển phương tiện; ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ kém của lái xe; lái xe bị chủ doanh nghiệp ép tài... Cụ thể, sau 20 ngày từ ngày 5 đến 25-2-2019) tuần tra trên quốc lộ 1A, Cục Cảnh sát giao thông đã phát hiện và xử lý 82 lái xe dương tính với ma túy, hàng trăm tài xế vi phạm nồng độ cồn và nhiều vi phạm khác. Chắc hẳn mọi người còn nhớ vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Long An ngày 2-1 làm 4 người chết, 18 người bị thương và mới đây là vụ tai nạn kinh hoàng tại Hải Dương khiến 8 người chết, 8 người bị thương đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lái xe sử dụng ma túy khi tham gia giao thông.

Xử lý nghiêm cả tài xế và doanh nghiệp sai phạm

Trước thực trạng có nhiều tài xế lái xe đường dài, xe khách sử dụng ma túy, câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao họ sử dụng ma túy? Câu trả lời là vì lái xe là một nghề nặng nhọc, nguy hiểm và luôn căng thẳng, mệt mỏi khiến nhiều tài xế tìm đến ma túy để tăng sự tỉnh táo, chống mệt mỏi. Một số tài xế đang cai nghiện thừa nhận sử dụng ma túy để có thể lái xe 3-4 ngày mà không cần ngủ. Nhiều chủ xe biết nhưng họ không quan tâm việc tài xế của mình nghiện ngập. Họ chỉ cần tài xế lái thật nhanh, thật nhiều chuyến để có lợi nhuận.

Để ngăn chặn hậu quả do lái xe sử dụng ma túy, thời gian gần đây, Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội đã có yêu cầu đến hết ngày 28-2, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn phải khám sức khỏe cho toàn bộ tài xế. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp vận tải phải phối hợp cơ quan y tế xét nghiệm chặt chẽ 4 loại chất gây nghiện: morphin/heroin, amphetamine, methamphentamine, marijuana (cần sa). Nếu tài xế không đủ sức khỏe hoặc dương tính với các chất gây nghiện nêu trên, doanh nghiệp phải dừng ngay công việc lái xe đối với tài xế đó... Đây là việc nên làm và cần phải làm, nhưng lại là việc chưa được dư luận đồng thuận. Vì không ít người cho rằng đợt kiểm tra này chỉ là giải pháp tình thế và chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả cao.

Điều mà dư luận mong chờ là việc kiểm tra này phải được tiến hành thường xuyên. Nếu tài xế không đủ sức khỏe hoặc dương tính với các chất gây nghiện thì doanh nghiệp vận tải phải dừng ngay công việc lái xe đối với tài xế đó. Và cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm, rút giấy phép hoặc tước bằng lái, đưa đi cai nghiện, hoặc xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm, với không chỉ tài xế mà còn với chủ doanh nghiệp vận tải. Đồng thời, việc kiểm tra phải được mở rộng đối với cả tài xế xe khách, xe tải các loại, kể cả xe buýt, taxi trên cả nước. Có như vậy thì trật tự trong việc quản lý lái xe, doanh nghiệp vận tải mới được lập lại và TNGT chắc chắn sẽ giảm.

Trừ điểm trên bằng lái xe của tài xế vi phạm

Ngày 24-9-2018, trả lời phỏng vấn trên báo chí, đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông cho biết, đơn vị đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, trong đó có nội dung áp dụng việc trừ điểm vào bằng lái của tài xế vi phạm giao thông. Với đề xuất này, những người vi phạm giao thông sẽ bị cảnh sát trừ điểm vào bằng lái. Cũng theo đại tá Đỗ Thanh Bình, hiện đã có các khung xử phạt hành chính với lái xe vi phạm giao thông, tuy nhiên trường hợp vi phạm lỗi nhẹ, tài xế chỉ bị phạt tiền và được nhận lại bằng lái. Thực tế này đi ngược xu hướng của thế giới, vì ở nhiều nước nếu người tham gia giao thông mắc lỗi sẽ bị trừ điểm trên bằng lái xe và nhận cảnh cáo. Đối với trường hợp bị trừ hết điểm thì người lái xe sẽ phải thi lại bằng lái.

Trong khi đó, việc xử phạt hành chính với các lỗi vi phạm giao thông hiện nay là chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, nhiều tài xế có vi phạm nhưng sẵn sàng bỏ bằng lái, cố tình không nộp phạt và sau đó làm giấy phép lái xe mới một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, việc phạt rồi cho tồn tại dẫn tới người vi phạm nhờn luật. Trước đây, cơ quan chức năng đã áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng “bấm lỗ”. Theo cách làm này, nếu giấy phép lái xe bị đánh dấu 2 lần vi phạm thì tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe. Nếu bị đánh dấu 3 lần thì giấy phép lái xe hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp giấy phép mới. Và ở đây cũng cần có thêm chế tài là mỗi lái xe chỉ được phép thi lại để cấp lại bằng lái xe 2 lần.

Nếu các giải pháp nêu trên sớm được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả thì chắc chắn sẽ hạn chế được tiêu cực, đồng thời các quyết định xử phạt có tính răn đe cao giúp nâng cao ý thức người tham gia giao thông và giảm thiểu tai nạn.

Hồng Nhung (Đồng Phú)

  • Từ khóa
31753

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu