Thứ 3, 23/04/2024 14:42:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:12, 23/07/2017 GMT+7

Giải pháp để Bình Thắng thoát nghèo

Chủ nhật, 23/07/2017 | 15:12:00 810 lượt xem
BP - Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bù Gia Mập (mở rộng) lần thứ IX ngày 28-6-2017, Chủ tịch UBND huyện Lê Quang Oanh thẳng thắn nói: “Bình Thắng là xã có lịch sử lâu đời nhưng đây cũng là xã “trụ hạng” lâu nhất không chịu tăng trưởng, dù hằng năm đều được ưu tiên đầu tư nguồn ngân sách lớn nhất, nhì huyện. Vì thế, Đảng bộ, chính quyền xã cần tìm giải pháp căn cơ để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”. Vì sao một xã giàu truyền thống cách mạng như Bình Thắng lại chậm phát triển?

vì sao bình thắng vẫn nghèo?

Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Bê và Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Dũng đều cho rằng, nguyên nhân chính do Bình Thắng nằm trên trục đường cụt, hàng hóa khó lưu thông. Xã có duy nhất 1 đường từ ngã ba Đa Kia đi vào và đi ra mà không còn con đường nào khác. Bình Thắng có 80% số dân làm nông nghiệp, công nghiệp - dịch vụ chỉ 16% và các ngành nghề khác 4%. Trong đó, cơ cấu trong nông nghiệp duy trì ổn định; công nghiệp chỉ có 10 cơ sở, doanh nghiệp bóc tách, chế biến hạt điều nhưng thương mại - dịch vụ ngày càng giảm. Lý giải tình trạng này, lãnh đạo xã Bình Thắng cho biết, trước đây nhiều hộ dân kinh tế khá ở trên trục đường chính  mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán nhưng sức mua kém nên đã chuyển đi, mỗi năm từ 10-20 hộ. Đây cũng là lý do mà hơn 10 năm nay dân số xã Bình Thắng không tăng, duy trì ổn định trên dưới 1 vạn dân.

Mới 9 giờ sáng nhưng chợ Bình Thắng chỉ có người bán không thấy người mua

Điều đặc biệt xã có 7,3% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tức chỉ có 158/2.173 hộ dân toàn xã, thế nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở Bình Thắng lại khá cao với 464 hộ, chiếm 21,35%. Trong đó, thôn 9 là thôn dân tộc thiểu số khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với 91,6% (99/108 hộ). Một điều lạ nữa là ngoài các thôn đặc biệt khó khăn, thì những thôn ở trung tâm xã như thôn 2B, thôn 3 lại có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn các thôn vùng sâu, xa. Nguyên nhân là ở trung tâm xã tập trung đông dân, số hộ tách riêng nhiều, trong khi thiếu đất sản xuất. Còn các thôn ở vùng sâu, xa lại nhiều vườn, rẫy, đất tốt nên kinh tế khá, giàu.

Cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập

Những năm qua, mặc dù được huyện Bù Gia Mập quan tâm đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, tuy nhiên diện tích đất được quy hoạch trước đây không phù hợp nên chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại xã. Hiện nay, ngoài hệ thống điện lưới quốc gia cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân, còn các công trình khác như đường giao thông, trường học, trạm y tế, chợ, môi trường, các thiết chế văn hóa còn nhiều khó khăn, bất cập.

Một góc khu trung tâm xã Bình Thắng (Bù Gia Mập)

Xã có 4 trường học, gồm mẫu giáo Bình Thắng, tiểu học Bình Thắng A, tiểu học Bình Thắng B và THCS Bình Thắng. Trong đó chỉ có tiểu học Bình Thắng A đủ diện tích đất theo quy định và đang đầu tư phấn đấu công nhận đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm 2017. Số còn lại diện tích quy hoạch không phù hợp buộc phải cấp thêm hoặc chuyển vị trí mới. Là xã vùng sâu, cách xa trung tâm y tế, bệnh viện, vì thế số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại Trạm Y tế xã Bình Thắng luôn quá tải. Mỗi năm bình quân trạm tiếp nhận khoảng 5.000 lượt bệnh nhân, số lượng này thậm chí còn đông hơn một số trung tâm y tế tuyến huyện. Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất, diện tích của Trạm Y tế xã quá hẹp, trong khi quỹ đất không còn. Xã có 11 thôn, trong đó chỉ có 3 thôn: 6A, 8, 9 đã có nhà văn hóa, số còn lại chưa có quỹ đất để xây dựng. Bình Thắng có khoảng 50km trục đường giao thông liên xã, liên thôn, trong đó gần 40km được Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng và huyện Bù Gia Mập đầu tư trải nhựa, số còn lại là đường sỏi đỏ. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, so với các địa phương khác thì Bình Thắng chỉ cần bê tông, nhựa hóa khoảng 10km là hoàn thành tiêu chí giao thông, tuy nhiên đây là việc làm rất khó. Bởi ngoài nguồn ngân sách cấp thì xã khó vận động xã hội hóa. Thực tế từ nhiều năm qua, xã mới chỉ vận động nhân dân làm được 1km đường bê tông, theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Chợ Bình Thắng được quy hoạch và xây dựng nhà lồng từ năm 2010, tuy nhiên lại vắng như “chùa Bà Đanh”. Trước đây lồng chợ có khoảng 40 tiểu thương vào buôn bán, nhưng ngày càng ít dần, đến nay chỉ còn 14 hộ. Để khuyến khích tiểu thương vào buôn bán, xã miễn tiền điện, nước, tiền thuế nhưng vẫn khó thu hút. Nguyên nhân là do quy hoạch khu đất không phù hợp. Bình Thắng hiện vẫn chưa có khu chứa rác thải sinh hoạt, vì thế tận dụng bãi đất trống bên hông chợ, các tiểu thương và người dân trong khu vực chất rác thành đống bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Xã có 6 nghĩa trang được quy hoạch từ lâu, tuy nhiên do quản lý không chặt dẫn đến bị dân lấn chiếm nên đến nay phần lớn đã hết chỗ chôn cất.

Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Xã được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm đầu tư ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng và một số lĩnh vực khác. Hơn 1 năm qua, huyện đầu tư cho xã trên 20 tỷ đồng và năm 2018 có thể nhiều hơn. Tuy nhiên kinh tế - xã hội của Bình Thắng vẫn chậm phát triển, nguyên nhân một phần do vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ địa phương chưa sâu sát, triệt để. Để đổi thay, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở xã đang tìm mọi giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho dân hiểu. Đặc biệt, cán bộ xã không gây phiền hà, sách nhiễu dân; tích cực lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết những vấn đề bức xúc, kịp thời cho dân khi đó họ mới tin tưởng và tham gia đóng góp. Đồng thời cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, đóng góp, từ đó đẩy mạnh các phong trào của xã đi lên. “Quan trọng nhất của người cán bộ là làm cho dân giàu, nước mạnh, vì thế nếu mình không sâu sát, không gần dân thì rất khó” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Dũng nói.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
41900

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu