Thứ 6, 29/03/2024 22:11:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:51, 28/06/2017 GMT+7

Giá trị vượt thời đại trong “Quốc triều hình luật"

Thứ 4, 28/06/2017 | 08:51:00 6,184 lượt xem

BPO - Luật Hồng Đức là tên gọi thông dụng của bộ “Quốc triều hình luật” được xây dựng vào thời Lê sơ. Đây là Bộ luật điển hình, hoàn thiện nhất trong lịch sử nhà nước phong kiến  Việt Nam. Bộ luật chứa đựng nhiều nội dung tiến bộ, nhân văn sâu sắc, kỹ thuật pháp lý hoàn thiện hơn so với các bộ luật cùng thời và có những điểm tiếp cận gần với kỹ thuật pháp lý hiện đại. Và cho đến ngày nay, nhiều quy định tiến bộ trong đạo luật này vẫn còn mang tính thời sự và là nguồn tài liệu quý để các nhà làm luật thời nay phát huy và phát triển.

Theo sách “Quốc triều hình luật” của Viện sử học Việt Nam, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành tháng 12-2016, trong số 722 điều của Bộ “Quốc triều hình luật” thì có 200 điều phỏng theo luật nhà Đường, 17 điều phỏng theo luật nhà Minh. Ngoài ra có 178 điều chung đề tài nhưng Quốc triều Hình luật đưa ra một số giải pháp khác hẳn so với các triều đại phong kiến ở phương Bắc. Đáng chú ý nhất là có 328 điều không tương ứng với điều luật nào của các triều đại phong kiến ở Trung Quốc trước đó. Đặc biệt, trong bộ luật này có nhiều điều mang nội dung tiến bộ vượt thời đại đương thời. Đó là những quy định bênh vực, bảo vệ người phụ nữ. Điều này được thể hiện rõ trong hai chương “Hộ hônĐiền sản”. Ở chương “Hộ hôn”, có 53/722 điều luật bàn về hôn nhângia đình. Ở chương “Điền sản”, 30/722 điều bàn về việc hương hỏa, tế lễ, thừa kế, thừa tự và sở hữu tài sản của v chồng. Từ nội dung của hai chương này, người đọc sẽ thấy rõ các nhà làm luật thời Lê đã coi trọng cá nhân và đặc biệt vai trò của người phụ nữ trong gia đình và cả ở ngoài xã hội. Và với Bộ luật Hồng Đức, lần đầu tiên quyền lợi của người phụ nữ được một nhà nước phong kiến để ý đến một cách cụ thể, rõ ràng với sự quan tâm đặc biệt chứ không hề thờ ơ. Đặc biệt là trong quan hệ gia đình, quyền lợi của người phụ nữ dần trở nên “lớn” hơn, trong khi những người chồng bị hạn chế và trói buộc vào nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện để đảm bảo cuộc sống hôn nhân hạnh phúc cho cả hai bên.

Cụ thể, trong lao động, người thợ là phụ nữ được trả công ngang bằng với người thợ nam. Tại Điều 23 trong Quốc triều hình luât quy định rất rõ không có sự phân biệt về tiền công nhật cho lao động đàn ông với đàn bà. Việc trả công ngang bằng như thế rõ ràng cho thấy lao động của phụ nữ được đánh giá cao và vị trí của người phụ nữ được tôn trọng trong xã hội. Còn tại Điều 322 ghi: Con gái thấy chồng chưa cưới có ác tật thì có thể kêu quan mà trả đồ sính lễ, nếu con rể lăng mạ cha mẹ vợ, đem thưa quan, thì cho ly dị. Cũng theo bộ luật này, trong gia đình người vợ tương đối bình quyền với người chồng và do đó, hôn nhân không được coi là sự chuyển giao hoàn toàn cô gái từ gia đình của mình sang gia đình chồng như ở Trung Quốc.

Không những thế, Bộ luật Hồng Đức còn bảo vệ người phụ nữ thông qua quy định người chồng phải có nghĩa vụ ở gần và săn sóc bảo vệ vợ con của mình. Cụ thể, tại Điều 308 có quy định như sau: Người vợ được phép đến nhà đương chức xin ly hôn trong trường hợp chồng không chăm nom, săn sóc vợ trong 5 tháng hoặc trong 1 năm nếu vợ đã có con. Nếu vợ đem đơn đến công đường thì bộ luật cho phép cưỡng bức ly hôn. Nghĩa là, người chồng không làm tròn nghĩa vụ với vợ thì người vợ cũng không buộc phải làm tròn bổn phận của mình. Quy định này không có trong bất kỳ bộ luật nào của Trung Quốc cũng như các văn bản cổ luật trước hay sau triều Lê. Hay tại Điều 309 ghi rõ: Người nào mà quá say đắm với nàng hầu mà thờ ơ với vợ thì bị xử tội “biếm”.

Chưa hết, cũng theo quy định tại bộ luật này, tất cả những hành vi gian dâm đều bị nghiêm trị với khung hình phạt rất nặng. Và ngay cả khi luật bắt buộc người chồng phải bỏ vợ ngoài ý muốn chủ quan, thì trong Điều 310 quy định: Vợ, nàng dâu đã phạm vào điều thất xuất mà người chồng ẩn nhẫn không bỏ thì phải tội biếm tùy theo nặng nhẹ. Tuy nhiên, sẽ không thể ly hôn được nếu như khi phạm vào điều thất xuất người vợ đang ở trong ba trường hợp (tam bất khứ): đã để tang nhà chồng 3 năm; khi lấy nhau nghèo mà sau giàu có; khi lấy nhau có bà con mà khi bỏ lại không có bà con để trở về. Đồng thời, khi hai bên vợ chồng đang có tang cha mẹ thì vấn đề ly hôn cũng không được đặt ra. Còn khi ly hôn, con cái thường thuộc về chồng, nhưng nếu muốn giữ con, người vợ có quyền đòi chia một nửa số con. Về việc thuận tình ly hôn, Điều 167 quy định rõ hình thức như sau: Giấy ly hôn được làm dưới hình thức hợp đồng, người vợ và người chồng mỗi bên giữ một bản làm bằng. Như vậy, sự ưng thuận ly hôn của hai bên trai - gái đã được nhà lập pháp thời Lê chú ý đến.

Về tài sản, Bộ luật Hồng Đức quy định tài sản của gia đình được phân chia ra thành 3 nguồn, gồm: Tài sản của chồng, tài sản của vợ và tài sản chung. Theo đó, khi ly hôn, tài sản của ai, người đó được nhận riêng và chia đôi tài sản chung của hai người. Còn đối với trường hợp không may chồng chết trước hay người vợ chết trước, thì Điều 388 nêu rõ: Tài sản có do cha mẹ dành cho được chia làm hai phần bằng nhau, một phần dành cho gia đình bên chồng hoặc bên vợ để lo việc tế lễ. Một phần dành cho vợ hoặc chồng để phụng dưỡng một đời. Đặc biệt trong quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại, pháp luật nhà Lê không phân biệt con trai hay con gái. Nếu cha mẹ mất cả thì lấy 1/20 số ruộng đất làm phần hương hỏa và giao cho người con trưởng giữ, còn lại chia đều cho các con. Điều 391 có quy định: Người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng.

Trong pháp luật về hình sự, người phụ nữ cũng được hưởng nhiều ưu tiên hơn. Ví dụ như cùng một tội danh, đối tượng phạm tội là phụ nữ sẽ được xử nhẹ hơn. Cụ thể, tại Điều 429 có quy định: Ăn trộm mà có cầm khí giới thì phải khép vào tội ăn cướp; nếu giết người thì bị khép vào tội giết người. Đàn bà được giảm tội. Hoặc tại Điều 441 quy định: Trường hợp đầy tớ ăn trộm đồ của chủ, nếu là “tớ gái thì được giảm tội”. Đối với những loại tội phạm xâm phạm thân thể của người phụ nữ phải nhận những hình phạt rất nặng. Cụ thể là tại Điều 403 có quy định như sau: Nếu gây thương tích cho người đàn bà thì xử nặng hơn một bậc so với đánh người thường bị thương. Nếu làm chết người đàn bà thì điền sản kẻ phạm tội phải giao cho nhà người bị chết. Từ những dẫn chứng trên cho thấy, bộ luật Hồng Đức có sự tiến bộ vượt thời gian bởi các thiết chế mang đạm tính nhân văn.

Từ thực tế lịch sử của nhân loại cho thấy, bất kỳ một quốc gia có chủ quyền nào cũng đều lấy ổn định chính trị làm điều kiện trước tiên cho sự phát triển xã hội. Song, muốn được như vậy thì việc phải làm và cần làm là hình thành một hệ thống pháp luật nghiêm minh, đóng vai trò là công cụ bảo vệ nhà nước hữu hiệu. Và trong 360 năm tồn tại, triều đại nhà Lê đã để lại cho hậu thế những thành tựu to lớn trên lĩnh vực pháp luật và điển chế và đặc biệt là bộ Quốc triều Hình luật. Và trong đó, tư tưởng nhân văn, nhân đạo, cũng như việc nâng cao quyền của phụ nữ, là những yếu tố đi trước thời đại của bộ luật này. Phát huy truyền thống của tổ tiên, để đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, đồng thời “tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí.

NV

  • Từ khóa
18288

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu