Thứ 6, 19/04/2024 08:41:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:25, 17/11/2013 GMT+7

Giá trị lịch sử và tính thời sự của tác phẩm dân vận

Chủ nhật, 17/11/2013 | 06:25:00 6,830 lượt xem

Ngày 27-9-2013, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 66-HD/BTGTU “Hướng dẫn nghiên cứu, trao đổi, thảo luận nội dung một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Theo đó, các chi bộ, cơ quan, đơn vị và đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức nghiên cứu tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sinh hoạt định kỳ tháng 11-2013.

Ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo Dân vận với bút danh X.Y.Z đăng trên báo Sự thật, số 120. Bài báo ra đời trong thời điểm công cuộc “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” của dân tộc ta có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải đi vào chiều sâu, cụ thể, thiết thực nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Đến hôm nay, tác phẩm Dân vận vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và tính thời sự nóng hổi, trở thành “cẩm nang” không thể thiếu đối với những người làm công tác vận động quần chúng.

Tác phẩm Dân vận chỉ vỏn vẹn 573 từ, trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn về nội dung, phương pháp dân vận rất sâu sắc nhưng hết sức giản dị, thể hiện rõ phong cách và quan điểm viết báo của Người, đó là viết cho ai, viết để làm gì, viết cái gì và viết như thế nào. Tác phẩm chia thành bốn mục lớn, theo thứ tự từ I đến IV, lần lượt: I. Nước ta là nước dân chủ; II. Dân vận là gì?; III. Ai phụ trách dân vận?; IV. Dân vận phải thế nào? Nội dung của tác phẩm, đồng thời là quan điểm của Đảng. Bác Hồ luôn khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân; động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; các hình thức tập hợp nhân dân phải phong phú, đa dạng; công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể.

“Cán bộ nào, phong trào ấy” đó là một thực tế đã được chứng minh. Trong tác phẩm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Và một thực tế vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương hiện nay - điều mà Bác Hồ đã chỉ ra gần 65 năm về trước, đó là “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc một vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”.

Muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng thì cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải gương mẫu, nêu gương. Bác Hồ đã từng khẳng định đối với người Việt Nam, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền; lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Cụ thể hóa quan điểm này của Bác Hồ, trong các văn kiện, nghị quyết của mình, Đảng thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải nêu gương tốt trước quần chúng nhân dân. Gần đây nhất, ngày 7-6-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng ta tiếp tục yêu cầu “Chú trọng làm tốt hơn việc nêu gương những người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực...”.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở các địa phương, cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là tình trạng không thống nhất trong lời nói, việc làm; nói nhiều làm ít; nói mà không làm; thậm chí có một số trường hợp nói một đằng, làm một nẻo... gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Chúng ta vẫn thường nói nhiều đến công tác phòng, chống tham nhũng “... là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị”, “... người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu và tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”... Nhưng người dân lại đặt câu hỏi: Ai mới có “điều kiện” để tham nhũng? Câu trả lời thật hiển nhiên: Chỉ những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền mới... tham nhũng được.

Do vậy, đổi mới công tác dân vận trong tình hình hiện nay là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trước quần chúng nhân dân, theo đúng phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, quần chúng hiện nay thường quan niệm xem cán bộ làm như thế nào hơn là nghe cán bộ nói...

Nhân dân cũng đang mong muốn, chờ đợi cấp ủy và lãnh đạo các cấp học tập và làm theo những lời dạy của Bác. Gương mẫu về đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm gương cho nhân dân noi theo. Tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương của Bác trong giai đoạn hiện nay.

Chính Trực

Tài liệu tham khảo: Giới thiệu một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tài liệu sinh hoạt chi bộ, đoàn thể và tại các cơ quan, đơn vị) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - Hà Nội - 2013.

  • Từ khóa
1252

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu