Thứ 5, 25/04/2024 12:31:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:35, 23/11/2016 GMT+7

Giá trị của lời xin lỗi

Thứ 4, 23/11/2016 | 14:35:00 224 lượt xem
BP - Mấy ngày qua, người ta truyền nhau câu chuyện về cậu học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng vô tình va quẹt làm vỡ gương ôtô đậu bên đường và viết thư xin lỗi dán lên kính xe khiến không chỉ chủ xe mà nhiều người đều thấy xúc động, ấm lòng.

Chủ xe đã xem đó như một món quà. Anh đem “món quà đặc biệt” đó chia sẻ với cậu con trai 11 tuổi với hy vọng cậu học được những điều bổ ích từ câu chuyện thực tế. Và quả như anh dự đoán, “Con tôi nghe câu chuyện cũng rất cảm động!” - anh chia sẻ. 

Hằng ngày trên các trang báo, nhất là báo mạng đăng nhan nhản chuyện đánh nhau, thậm chí đoạt mạng nhau vì những lý do rất... vớ vẩn như: to tiếng chỗ ăn nhậu, va quẹt khi tham gia giao thông, hàng xóm mở loa đài âm thanh lớn... thì sự việc này như một lời cảnh tỉnh giúp người ta phải chững lại để suy ngẫm! Giá như liền sau mỗi sự việc không đúng, người gây lỗi biết kịp thời nhận lỗi, mau mắn nở nụ cười cầu thị và “nạn nhân” vui vẻ đón nhận thành ý của người gây ra lỗi thì có lẽ đã không có nhiều chuyện đau lòng đáng tiếc xảy ra...

Chủ nhân của chiếc ôtô bị vỡ gương chia sẻ: “Cháu thành thực xin lỗi khiến tôi rất cảm động. Không nhiều người dám chịu trách nhiệm như cháu, ngay cả những người lớn. Tôi thấy cháu này được giáo dục rất tốt. Cháu xin được đền bù vì làm vỡ gương nhưng tôi thấy việc cháu dũng cảm nhận lỗi còn quý hơn nhiều giá trị chiếc gương”. Và niềm vui của chủ xe ôtô như đang lan tỏa ra cộng đồng, làm lay động lòng người...

Trộm nghĩ, nếu không nhận được lời xin lỗi mà nhìn thấy gương xe bị vỡ, chủ xe nào không tức giận? Nhẹ thì tức tối, ấm ức nhưng người nóng nảy, tâm thù thì sẽ không khỏi truy đến cùng và kết quả thật khó lường. Ở sự việc này, lời xin lỗi chân thành của cậu học trò ngoan đã trở thành món quà nhỏ cho người lái xe và anh đã bỏ qua việc bắt đền, dù thiệt hại tiền triệu. Hơn thế, họ đã trở thành những người bạn: một lớn - một nhỏ!

Thực tế, nhiều người vẫn xem lời “cảm ơn”, “xin lỗi” là... sến, là phù phiếm. Vì thế, cuộc sống đang dần thiếu đi cách ứng xử văn hóa, làm tâm hồn nhiều người trở nên xơ cứng, vô cảm.

Đặt chân vào “cửa Khổng, sân Trình”, bài học đầu đời mà mỗi đứa trẻ đều được học là “Tiên học lễ, hậu học văn”. Nhưng hiện nay, áp lực học hành theo hướng thực dụng, đặt nặng “văn” mà “lễ” bị xem nhẹ nên đã kéo theo không ít hệ lụy. Nhà trường không chú trọng dạy lễ, về nhà cha mẹ thờ ơ với lễ và ra xã hội người ta không còn trân trọng nhau, biết đem nhường nhịn, cảm ơn và xin lỗi... đối đãi với nhau, xem đó là một nguyên tắc trong giao tiếp thì... tất yếu “nắm đấm” sẽ ngự trị. Nhiều người sẽ không còn nhận ra lễ nghĩa là điều đáng quý, cần có trong cuộc sống, làm cuộc đời thêm tươi đẹp và ấm áp hơn.

Nếu có văn hóa, biết tôn trọng người khác, tôn trọng bản thân thì sẽ thấy được giúp đỡ, quan tâm, sẻ chia... là phải biết cảm ơn và khi làm sai, gây ra lỗi thì cần xin lỗi. Điều đó hoàn toàn bình thường và cần thiết như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Nên hiểu, cảm ơn hay xin lỗi không phải là hạ thấp bản thân. Đó là biểu hiện của cách ứng xử có văn hóa, là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội. Trong ứng xử giữa cộng đồng, khi cảm ơn và xin lỗi được thể hiện chân thành vừa phản ánh văn hóa của cá nhân vừa giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn.

Nhìn rộng ra ở nhiều lĩnh vực cũng đều dễ thấy một điều rằng, thật khó tin cậy, tâm giao với người luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác, thậm chí giấu nhẹm đi mỗi khi làm sai. Còn đối với môi trường công việc, nếu không biết chịu trách nhiệm với những hành vi của mình thì đồng nghiệp, cấp trên nào có thể tin tưởng giao phó công việc, trọng trách quan trọng; đối tác nào dám hợp tác?

Chính vì thế, mỗi người cần hình thành thói quen biết xin lỗi, biết chịu trách nhiệm trong mọi việc dù là nhỏ nhất như: nói một câu vô tình làm ai đó buồn, lỡ tay làm dây mực vào vở của bạn... đến những chuyện lớn lao hơn. Chỉ khi hiểu được giá trị của lời xin lỗi, chúng ta mới có được niềm vui từ sự trân trọng mà người khác dành cho mình. Đó cũng là những điều ngọt ngào mà chúng ta được tận hưởng đầy bất ngờ. Nên hiểu giá trị, sức nặng của lời xin lỗi, cảm ơn để góp phần làm cho cuộc sống thêm niềm vui và ý nghĩa.               

An Nhiên

  • Từ khóa
92448

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu