Thứ 3, 23/04/2024 14:23:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:17, 30/06/2018 GMT+7

Gia đình hạnh phúc là đòn bẩy phát triển xã hội

Thứ 7, 30/06/2018 | 08:17:00 305 lượt xem
BP - “Gia đình là tế bào của xã hội”, là cái nôi hình thành nhân cách và nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người. Vì thế, xây dựng gia đình văn hóa luôn là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt để xây dựng khu dân cư văn hóa. Cá nhân tốt thì gia đình tốt, gia đình tốt thì xã hội tốt. Qua quá trình phấn đấu, trên địa bàn thị xã Phước Long đã có nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu.

Cha mẹ làm gương

Gia đình ông Phạm Kim Sầm (1942), bà Nguyễn Thị Vân Oanh (1959) ở khu phố 3, phường Long Thủy được người dân trong khu phố khen ngợi, nể phục bởi không chỉ sống giản dị, thân thiện với mọi người mà còn có 3 con gái thành đạt, làm kinh tế giỏi.

Vợ chồng ông Phạm Kim Sầm quây quần bên con cháu

Hiện nay, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình đang tác động trực tiếp, gây nguy cơ phá vỡ hạnh phúc gia đình. Do vậy, mỗi cá nhân cần phát huy tốt những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống, làm tốt việc giáo dục con cái, gương mẫu trở thành thành lũy ngăn chặn tiêu cực xâm nhập. Thời gian qua, Phước Long đã tổ chức nhiều hội nghị gặp mặt tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của văn hóa gia đình là hạt nhân, nền tảng tinh thần thúc đẩy xã hội phát triển, nhân lên nhiều gia đình văn hóa trong cộng đồng.

Phó chủ tịch UBND thị xã Phước Long Phạm Thụy Luân

Ông Sầm quê xã Yên Khê, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, ông tham gia lực lượng dân quân, sau đó học Trường cao đẳng Kiểm sát Trung ương khóa I (1971-1975). Tốt nghiệp, ông được điều động về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai. Năm 1977, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên gia đình chuyển vào Nam, ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Phước Long, tới năm 1992 thì nghỉ hưu. Ông bà có 3 con gái, noi gương học tập của cha nên đều học giỏi: 2 người trình độ thạc sĩ, 1 trình độ cử nhân. Hiện nay, 3 chị em mở 2 công ty kinh doanh - xuất nhập khẩu hạt điều tại thị xã Phước Long. Trong đó, Công ty Thanh Minh Ngọc do chị Phạm Minh Thuận (1985) làm Giám đốc, chị Phạm Thị Ngọc Bích (1992) làm Phó giám đốc có dây chuyền thu mua, chế biến, xuất nhập khẩu khép kín với đầy đủ máy móc hiện đại và 100 công nhân, doanh thu 200 tỷ đồng/năm. Ngoài kinh doanh, chị Bích còn là Bí thư Chi đoàn khu phố 3, phường Long Thủy. Ông Sầm cho biết: “Để có một gia đình hạnh phúc với những đứa con thành đạt, cha mẹ luôn phải làm gương về mọi mặt, là chỗ dựa vững chắc. Trên cơ sở đó các con mới học tập, đoàn kết, thương yêu, giúp nhau và trở thành những công dân tốt của xã hội”. 

Đoàn kết cộng đồng

Hộ ông Nguyễn Duy Dựng (1945), bà Đinh Thị Đào (1943) là gia đình văn hóa tiêu biểu ở khu phố 5, phường Long Phước. Kinh tế vững, các con trưởng thành, gia đình ông bà còn là trung tâm đoàn kết ở khu phố. Ông Dựng từng là giáo viên ở quê (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình); 6 năm (1970-1976), ông tham gia kháng chiến chống Mỹ. Hòa bình, ông tiếp tục học Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội; làm giáo viên ở Trường trung cấp Quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp. Năm 1982, gia đình vào định cư tại Phước Long, ông làm Trưởng phòng Tổ chức, lao động, tiền lương thuộc Nông trường 5, Công ty cao su Phú Riềng, đến năm 2000 thì nghỉ hưu.

Ông Nguyễn Duy Dựng với thú vui thanh nhàn

Ông bà có 6 người con (5 gái, 1 trai), trong đó 5 người là đảng viên, đều là công chức, viên chức nhà nước; có 5 ha đất sản xuất (3,5 ha cao su, 1,5 ha điều) và cho thuê mặt bằng kinh doanh. Tổng thu nhập mỗi năm của gia đình ông khoảng 500 triệu đồng. Ông Dựng làm Bí thư Chi bộ khu phố từ năm 2008 đến nay. Gia đình luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào hoạt động tại địa bàn, tiêu biểu là đóng góp xây dựng các nguồn quỹ; tích cực nêu gương tuyên truyền nhân dân giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường, là trung tâm hòa giải mâu thuẫn trong khu phố. Ông bà còn tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh, văn nghệ người cao tuổi, luôn sống chan hòa, được mọi người quý mến.

Ông Dựng chia sẻ: “Ngoài tình cảm gia đình thì hàng xóm, láng giềng giữ vai trò quan trọng. Quý nhất là xây dựng được cộng đồng đoàn kết, mọi người quan tâm giúp đỡ lẫn nhau và gia đình tôi luôn sống theo phương châm đó”.

Đẩy lùi hủ tục

Hộ anh Điểu Luông, dân tộc S’tiêng (1984) là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu, vừa làm kinh tế giỏi vừa có uy tín ở thôn 7, xã Long Giang. Gia đình anh có trên 3 ha, gồm 0,8 ha cao su, 1,2 ha điều, còn lại trồng cà phê và lúa nước. Nhờ chịu khó áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất điều hằng năm luôn đạt từ 2-2,5 tấn/ha. Cao su đã cho thu hoạch từ 4 năm trước. Hằng ngày, vợ chồng anh còn thu mua mủ cao su, nuôi 20 con heo rừng lai, gần 100 con gà, vịt. Tổng thu nhập 1 năm khoảng 300 triệu đồng. 3 con của anh đều học giỏi.

Ngoài làm rẫy giỏi, anh Điểu Luông còn thu mua mủ cao su để tăng thu nhập

Anh Luông cho biết: “Thôn 7 có trên 100 hộ dân, trong đó 70% là đồng bào S’tiêng, điều kiện kinh tế còn khó khăn với 27 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo; 4 gia đình còn ở nhà tạm. Nguyên nhân khó khăn một phần do bà con chưa biết tổ chức sản xuất hiệu quả, lười lao động. Mặt khác trong đồng bào vẫn còn các hủ tục. Thời gian qua, tôi tích cực tham mưu trưởng thôn và chi bộ đẩy mạnh tuyên truyền đồng bào bỏ tục thách cưới, trả của, mê tín, dị đoan, ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tích cực tạo điều kiện cho trẻ em đi học, nhà nào chăn nuôi cũng phải có chuồng nhốt, giữ gìn vệ sinh chung, xây dựng khu dân cư văn hóa. Tôi nói và luôn tiên phong làm gương”.

Quang Minh

  • Từ khóa
60750

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu