Thứ 7, 20/04/2024 14:28:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:06, 11/01/2019 GMT+7

Gia đình của 3 Mẹ Việt Nam anh hùng

Thứ 6, 11/01/2019 | 13:06:00 877 lượt xem
BP - Ở dưới chân đồi, giữa vườn cao su và cây ăn trái, ngôi nhà gần 40 năm tuổi của gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thẹo (1898-1982), xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh ấm áp, yên vui, với 3 thế hệ cùng sinh sống. Khi chúng tôi tới thăm rất ngỡ ngàng được biết, mẹ Thẹo còn có con dâu Nguyễn Thị Hiểu và con gái Đỗ Thị Liên cũng được phong, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Mẹ Thẹo có chồng là liệt sĩ Đỗ Văn Nguyên, hy sinh ngày 25-6-1952, trong một trận càn bất ngờ của địch vào đơn vị, đóng tại ấp Bầu Cứ, xã An Long, huyện Hớn Quản (nay thuộc huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương). Bấy giờ, ông làm Phó hội trưởng Hội Liên Việt Hớn Quản - Bình Long (trong Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam). Năm 1948, trong một lần đi công tác cơ sở, con trai mẹ là ông Đỗ Văn Thảnh (1924) bị địch phục kích bắt. Tra tấn không khai thác được thông tin gì, chúng đã đưa ông Thảnh ra xử bắn. Năm 1962, một người con nữa của mẹ Thẹo là ông Đỗ Văn Thanh đã hy sinh trên đường về xã vận động người dân biểu tình, đấu tranh chống lại chính sách gom dân lập ấp, bị lọt vào ổ phục kích của địch. Nối tiếp truyền thống cách mạng, các con mẹ Thẹo cũng có chồng và con hy sinh trong cuộc kháng chiến, được Nhà nước phong, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Gia đình ông Đỗ Văn Dũng trong mái nhà gỗ truyền thống của cha mẹ để lạiGia đình ông Đỗ Văn Dũng trong mái nhà gỗ truyền thống của cha mẹ để lại

Ông Đỗ Văn Dũng (cháu nội mẹ Thẹo, con trai út mẹ Hiểu) chia sẻ: “Cha tôi, ông Đỗ Văn Thành, hoạt động cách mạng ở địa phương. Khi đang làm Trưởng ban Kinh tài huyện Hớn Quản bị địch phát hiện, đồng thời không muốn gia đình bị dồn vào ấp chiến lược của địch nên đã chuyển cả nhà lên Lộc Ninh định cư, làm rẫy”. Dưới mái nhà gỗ cha mẹ để lại, gia đình ông Dũng giữ gìn, sử dụng gần 40 năm nay, với 2/3 gian làm nơi thờ cúng mẹ Thẹo, mẹ Hiểu và người cha; gian còn lại là nơi ở của 3 thế hệ - ông bà, con, cháu.  

Cuộc sống nhà nông sớm tối, vất vả là vậy nhưng vợ chồng ông Dũng luôn động viên nhau tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các con nỗ lực học tập, trưởng thành, nối tiếp truyền thống gia đình, quê hương. “Điều phấn khởi, các con luôn tự hào về quá trình hoạt động cách mạng của ông bà đi trước, luôn trân quý, tự hào và gìn giữ. Cũng từ đó, sống chan hòa, yêu thương, đoàn kết, đùm bọc nhau” - bà Nguyễn Thị Tuyết, vợ ông Dũng cho biết. Hiện 2 người con gái của vợ chồng ông Dũng đã lập gia đình, công tác trong ngành thuế và nội vụ của tỉnh; con trai út là thiếu úy quân đội. Tuy công việc bộn bề, có gia đình nhỏ, nhưng cuối tuần, lễ, tết, đại gia đình lại đoàn tụ dưới mái nhà gỗ truyền thống, kể cho nhau nghe những phần việc đã làm. Ngắm nhìn con cháu quây quần, bà Tuyết nhớ lại: “Những ngày đầu về làm dâu trong gia đình cách mạng, tôi vừa tự hào vừa lo. Sợ bản thân không làm trọn vai trò con dâu, người vợ, người mẹ. Nhưng xuất phát từ tình yêu, sự cảm phục bà, mẹ và cô Liên..., tôi thêm tự tin. Nỗ lực sống chân thành, trách nhiệm, yêu thương mọi thành viên trong gia đình thì sẽ được mọi người quý trọng, đùm bọc và giúp đỡ. Từ đó, cuộc sống gia đình hạnh phúc, phát triển”. 

Dõi nhìn theo muôn hoa nắng mùa xuân lọt qua tầng lá xanh ven sân, ông Đỗ Trọng Quỳnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lộc Thái, nói: “Truyền thống cách mạng của gia đình mẹ Thẹo rất đỗi tự hào. Các con đều tham gia cách mạng, giữ nhiều chức vụ chủ chốt. Sau khi chuyển đến Lộc Ninh sinh sống, truyền thống luôn được nêu cao, gìn giữ. Ông Thành tích cóp làm vườn rẫy chia sẻ vật chất, tinh thần giúp đỡ các gia đình khó khăn trong ấp, xã ngay từ những năm 80-90 của thế kỷ trước. Đến thế hệ ông Dũng, anh em đoàn kết, hòa thuận, giúp đỡ mọi người; nuôi các con trưởng thành”.

Trung Nhân 

  • Từ khóa
61737

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu