Thứ 3, 19/03/2024 17:45:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 04:03, 22/02/2015 GMT+7

Gặp gỡ anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung trong ngày vui kỷ niệm 30 năm giải phóng Phước Long

Chủ nhật, 22/02/2015 | 04:03:00 3,402 lượt xem
BP - Trong ngày vui kỷ niệm 30 năm Phước Long - tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng, mở đầu cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đã có nhiều vị tướng, anh hùng lực lượng vũ trang về họp mặt. Đó cũng là cơ hội “vàng” cho những người làm báo được nghe các câu chuyện về thời khắc lịch sử của dân tộc qua lời kể của các nhân chứng lịch sử...

Anh hùng phi công, đại tá Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Phó tổng giám đốc Vietnam Airline đã kể với chúng tôi về giây phút quyết định lái máy bay phản lực F5E thả bom xuống Dinh Độc Lập và hạ cánh xuống sân bay Phước Long vào buổi sáng đẹp trời ngày 8-4-1975...

TÔI ĐÃ TRÚT ĐƯỢC GÁNH NẶNG NHÂN DÂN GIAO PHÓ

Đây là lần thứ 2 sau ngày giải phóng miền Nam, đại tá phi công Nguyễn Thành Trung, Anh hùng phi công về thăm Phước Long (lần đầu năm 1985). Nụ cười luôn nở trên khuôn mặt hiền lành, phúc hậu của người anh hùng lái chiếc máy bay phản lực F5E thả bom xuống Dinh Độc Lập, thủ phủ của các đời tổng thống ngụy quyền Sài Gòn rồi hạ cánh xuống sân bay Phước Long. Anh thật gần gũi và khác với những gì mà chúng tôi đã nghĩ.

Đại tá Nguyễn Thành Trung nói chuyện với phóng viên Báo Bình Phước trong ngày kỷ niệm 30 năm giải phóng Phước Long

30 năm, nhưng khi kể lại anh vẫn còn rất hồi hộp: “8 giờ 30 phút ngày 8-4-1975, tại sân bay Biên Hòa, chúng tôi được giao nhiệm vụ ném bom ở Phan Thiết. Suy nghĩ rất nhiều, vì đây là cơ hội tốt cho tôi làm tròn nhiệm vụ tuyệt mật mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó, nhưng làm được là rất khó khăn. Khi bay, mình không thể tách rời phi đội. Một mình cũng không thể lấy máy bay trong căn cứ, khởi động rồi lái ra đường băng để cất cánh... Lúc này, tôi đã có 10 giây quyết định, phải đánh lạc hướng phi đoàn trưởng, đài quan sát mặt đất để quay trở lại ném bom vào Dinh Tổng thống ngụy và kho đạn Nhà Bè - là những mục tiêu đã được tổ chức chỉ định. Bởi theo quy định, khi chuẩn bị cất cánh cũng như khi bay, phi đội không trao đổi với nhau qua máy vô tuyến điện mà chỉ được ra hiệu bằng tay điều muốn nói. Chỉ riêng phi đoàn trưởng mới được trao đổi với đài chỉ huy mặt đất. Đây chính là lỗ hổng được tôi khai thác để tạo sự hiểu lầm”.

 Rời khỏi sân bay Biên Hòa, chiếc F5E do Nguyễn Thành Trung lái mang theo 4 quả bom. Khi đang bay ở độ cao gần 2.000m anh báo về phi đội là máy bay bị trục trặc, phải quay lại. Rồi bất ngờ anh bay thẳng vào Sài Gòn. Giữa phố xá đông đúc, Dinh Tổng thống ngụy đã chiếm hết tầm ngắm, khi ở độ cao gần 1.000m, anh nghiêng mình trút 2 quả bom xuống góc phía đông. Chưa chính xác, bom rơi ngoài cổng chính. Lúc này vẫn còn 2 quả, anh vòng lại cho máy bay ném tiếp vào Dinh Tổng thống nhưng chỉ 1 quả nổ. Sau đó, anh quay về bắn 300 viên đạn canông 120 ly vào kho đạn Nhà Bè.

Anh nói: “Khi đã hoàn thành nhiệm vụ rồi hạ cánh xuống sân bay dã chiến Phước Long, tôi như trút được gánh nặng mà nhân dân đã giao phó. Khi bay về vùng giải phóng, trong tôi trào dâng sự xúc động. Bởi qua cả ngàn giờ bay nhưng cảm nhận đó mới là giờ bay của đời tôi. Hạ cánh xuống sân bay Phước Long rất khó khăn, bởi chiếc máy bay F5E thuộc loại siêu thanh tối tân của Mỹ trang bị trái phép cho không lực Việt Nam Cộng hòa. Nó đòi hỏi đường bay cất và hạ cánh tối thiểu 3.000m, nhưng sân bay dã chiến Phước Long lúc này chỉ có đường băng 1.000m và rất ghồ ghề. Mặc dù, để chuẩn bị cho phút lịch sử này, theo đề xuất của tôi, quân giải phóng đã sửa lại sân bay Phước Long 2 tháng trước đó”.

Buổi sáng mùa khô Đông Nam bộ trời trong xanh. Người dân ở Phước Long lúc này đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Nguyễn Thành Trung khi ấy mới tròn 28 tuổi, mang quân hàm trung úy không quân Việt Nam Cộng hòa. Trở về với cách mạng, anh được phong quân hàm đại úy quân giải phóng.

Về với nhân dân trong những ngày lịch sử của Chiến dịch mùa Xuân đại thắng 1975, quân ta thế mạnh như chẻ tre trên đường tiến quân vào giải phóng căn cứ đầu não của ngụy quân Sài Gòn. Nguyễn Thành Trung được cách mạng đưa ra sân bay Đà Nẵng (giải phóng ngày 29-3) để huấn luyện cấp tốc cho phi công của Quân đội nhân dân Việt Nam, lập Phi đoàn bay A37 do quân ta mới chiếm được của giặc để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới. Ngày 28-4-1975, Phi đội bay “Quyết thắng” do anh chỉ huy với 5 chiếc A37 cất cánh tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) ném bom xuống Tân Sơn Nhất đã làm cho Đại sứ Mỹ Martin hoảng loạn tháo chạy về nước vì không còn chỗ an toàn để trú ẩn. Sau đó, hơn 3.000 lính Mỹ còn lại ở Sài Gòn đã phải vội vàng di tản bằng trực thăng ra tàu hải quân, kết thúc nhục nhã cuộc viễn chinh tại miền Nam Việt Nam sau hơn 20 năm chiếm đóng.

PHI CÔNG ĐẦU TIÊN LÁI MÁY BAY BOEING

Nguyễn Thành Trung tên thật là Đinh Khắc Chung, sinh năm 1947, trong một gia đình cách mạng ở tỉnh Bến Tre. Khi còn là học sinh trung học ở quê hương đồng khởi anh vẫn mơ một ngày miền Nam được độc lập không bị phụ thuộc ngoại bang. Và ngay chính trên đất Mỹ, anh được chứng kiến nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược phi nghĩa ở Việt Nam nên anh càng thêm giác ngộ cách mạng.

Sau khi ném bom Dinh Độc Lập, phi công Nguyễn Thành Trung đã lái máy bay F5E hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long - Ảnh: T.L

Anh kể: “Sau khi tốt nghiệp khoa Toán - Lý - Hóa Đại học khoa học Sài Gòn. Cách mạng đã làm tất cả để đưa tôi vào lực lượng không quân của ngụy quyền Sài Gòn. Tháng 5-1969, tôi được kết nạp Đảng”. Cũng trong năm đó, Nguyễn Thành Trung được đưa đi đào tạo lái máy bay phản lực ở Mỹ, khóa 1969-1972. Anh trở thành phi công giỏi xếp thứ 2/500 học viên cùng khóa. Về nước, anh đóng quân tại căn cứ không quân Biên Hòa (Đồng Nai), “ăn  cơm ngụy, lái máy bay Mỹ, phục vụ cách mạng”. Sau giải phóng, anh là Phó tổng giám đốc hãng hàng không dân dụng Vietnam Airline. Anh cũng là phi công Việt Nam đầu tiên lái máy bay Boeing 767 và là giáo viên, phi công lái máy bay Boeing 777-200 của Vietnam Airline.

Lần thứ 2 trở lại Phước Long, anh xúc động: “Phước Long thay đổi nhiều, cơ sở hạ tầng đang được đầu tư, cuộc sống người dân đã giàu hơn trên vùng đất đỏ bazan. Nhưng tấm lòng của người dân Phước Long với cách mạng vẫn như xưa, nhiệt tình, hồ hởi”. Anh đã nhìn thấy điều đó qua những khuôn mặt rạng rỡ của người dân với niềm tự hào Phước Long là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng, mở đầu cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.

Kết thúc cuộc phỏng vấn ngắn hơn 15 phút với chúng tôi, anh nói: Đất nước hy vọng vào lớp trẻ. Tuổi trẻ bây giờ có đủ nghị lực và kiến thức, điều này anh đã nhận thấy khi huấn luyện cho lớp thanh niên. Các em rất tự tin, dũng cảm, không loại máy bay hiện đại nào mà các em không tiếp cận được.                        

Phương Hà

  • Từ khóa
92579

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu