Thứ 4, 24/04/2024 10:09:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:12, 17/05/2018 GMT+7

Gần mực thì đen

Thứ 5, 17/05/2018 | 08:12:00 163 lượt xem

BP - Thành ngữ Việt có câu “Gần mực thì đen, gần đền thì sáng” để răn dạy hậu thế khi lựa chọn bạn bè, đối tượng để quan hệ hoặc hợp tác làm ăn. Nếu chọn người bạn tốt thì sẽ học hỏi được nhiều điều hay lẽ phải, nhưng khi chọn phải đối tượng xấu thì trước sau gì mình cũng sẽ bị lây nhiễm thói hư tật xấu của họ. Lời khuyên dạy của tiền nhân cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Từ vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” do bị cáo Hồ Thị Kim Luân cùng 5 đồng phạm thực hiện, vừa được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử sơ thẩm cho thấy điều này không hề sai.

Hồ Thị Kim Luân, thường trú phường Tân Đồng (Đồng Xoài) có 3 tháng làm việc tại Kho K899, Cục Quân khí (Tổng Cục kỹ thuật, Bộ Quốc phòng) đóng ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), với nhiệm vụ là nhân viên tu bổ kho tàng doanh trại. Sau khi nghỉ việc, Luân đã có hành vi lừa đảo và chiếm đoạt hơn 18 tỷ đồng của 13 người bằng các thủ đoạn xin việc, mua đất kho giá rẻ... Điều đáng nói trong vụ án này, Luân đã biến nhiều nạn nhân của mình thành kẻ phạm tội, con lừa mẹ đẻ, cháu lừa dì, người lương thiện thành kẻ phạm tội. Nạn nhân đầu tiên của Luân là Nguyễn Thị Hồng Thanh, trú phường Tân Phú (Đồng Xoài) với số tiền ban đầu là 40 triệu đồng để xin vào làm việc tại Kho K882 (Đồng Phú). Thanh vay tiền của bà Đỗ Thị Vân là mẹ đẻ của mình để “chạy việc”. Khi biết mình đã bị Luân lừa nhưng Thanh không tố giác tội phạm mà còn lừa cả mẹ đẻ của mình đưa tiền cho kẻ lừa đảo. Cùng với sự giúp sức của Thanh, Luân tiếp tục lừa bà Vân đưa tiền để chạy việc và mua đất giá rẻ. Cùng thủ đoạn này, Thanh còn giúp Luân lừa dì ruột của mình đưa tiền cho Luân hết lần này đến lần khác. Thấy việc dụ dỗ, lừa đảo người khác đưa tiền cho mình tiêu xài quá dễ dàng nên Luân đã không từ hành vi, thủ đoạn nào và ngày càng lún sâu vào con đường phạm tội. Luân đã cùng đồng bọn vạch kế hoạch, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để thực hiện các hành vi lừa đảo. Nguy hiểm hơn, Luân còn thuê người đóng giả lãnh đạo quân đội... và “đạo diễn” cho những người này cùng thực hiện các hành vi phạm tội. Điều kỳ lạ là hầu hết các nạn nhân trong vụ án đều biết mình là nạn nhân của Luân nhưng ai cũng im lặng, thậm chí còn “hợp tác” để thực hiện hành vi lừa đảo như Nguyễn Thị Hồng Thanh, Lê Trần Minh, Vũ Thị Diệu Thúy. Cũng có trường hợp không am hiểu pháp luật nên bị Luân lợi dụng như chủ tiệm photo Hòa ở phường Tân Đồng (Đồng Xoài) khi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Tại phiên tòa, hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã tuyên trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề. Bởi qua thẩm vấn, hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đều cho rằng có rất nhiều vấn đề phát sinh trong vụ án. Điều dư luận quan tâm là ngoài Luân và 5 đồng phạm của Luân còn có ai khác, có trường hợp nào bị bỏ lọt hay không? Đặc biệt, câu hỏi vì sao 13 người vừa là nạn nhân vừa là đồng phạm với Luân mù quáng đến như vậy rất cần được làm rõ. Phải chăng Luân đã lợi dụng tâm lý phóng lao thì phải theo lao của người dân để biến họ thành công cụ của mình!?

Tấn Phong

  • Từ khóa
108870

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu