Thứ 7, 20/04/2024 01:43:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:30, 13/10/2016 GMT+7

Gắn bó xây dựng biên giới bình yên

Lâm Anh
Thứ 5, 13/10/2016 | 08:30:00 2,327 lượt xem
BP - Họ từ những mảnh đất khác nhau về đây. Bằng tình yêu, nhiệt huyết cống hiến, họ đã biến mảnh đất lạ trở thành quê hương thứ 2, cùng chung vai sát cánh gắn bó để xây dựng vùng biên cương Bình Phước được bình yên, ấm no.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh hỗ trợ xây tặng nhà “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới” cho gia đình Trung úy Nguyễn Văn LộcBộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh hỗ trợ xây tặng nhà “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới” cho gia đình Trung úy Nguyễn Văn Lộc

Tốt nghiệp Học viện Biên phòng và được điều động về công tác tại Bộ đội biên phòng tỉnh Ninh Thuận, qua những lần gặp gỡ, giao lưu và tham quan giữa Bộ đội biên phòng Bình Phước và Bộ đội biên phòng Ninh Thuận cũng như tìm hiểu về Bình Phước qua sách báo, Thượng úy Trần Văn Nên đã nung nấu ước mơ được về công tác trên mảnh đất Bình Phước anh hùng. Nghĩ là làm, anh bàn với vợ và viết đơn tình nguyện xin về công tác ở Bình Phước. Năm 2014, anh được điều chuyển về công tác tại Bộ đội biên phòng Bình Phước. Qua 3 năm gắn bó, những tình cảm đồng chí đồng đội, mảnh đất và con người nơi đây đã làm cho Thượng úy Nên thêm gắn bó. Anh cười tươi khi chia sẻ với tôi: Mảnh đất biên cương Bình Phước còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Nhưng nghĩa tình thì chan chứa, tình cảm giữa quân - dân nơi đây khiến ai đã từng đến đây đều không thể rời. Bộ đội và dân dựa vào nhau cùng vui sống, cùng bảo vệ và xây dựng quê hương.

Cũng giống như Thượng úy Trần Văn Nên, Thượng tá Trương Hùng Tín từ Bộ đội biên phòng Khánh Hòa vào công tác tại Bình Phước. Gặp chị Võ Thị Nửa - vợ Thượng tá Tín tại nhà riêng, nụ cười hiền lành và mến khách đã tạo cho tôi ấn tượng đẹp về chị. Căn nhà nhỏ tại ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh nhưng được bố trí gọn gàng, sạch sẽ. Chị cho biết, anh ở đơn vị có khi 1 tháng về nhà một lúc rồi lại đi lên đồn. Hai con đã lớn và đi học, nên giờ một mình chị ở nhà. Năm 2004, anh viết đơn tình nguyện vào Bình Phước lập nghiệp, mặc cho người thân phản đối, còn chị cũng đang có việc làm ổn định ở quê hương Khánh Hòa. Nhưng rồi chị cũng chiều ý anh, 3 mẹ con dắt díu nhau theo anh Tín vào Bình Phước sinh sống. Giai đoạn đầu không thể nói hết khó khăn khi vào đây chị không có việc làm. Nhờ cần mẫn lao động, chị chăn nuôi gia súc, gia cầm và tích lũy mua rẫy trồng cao su. Cuộc sống gia đình nay đã ổn định, hạnh phúc, anh Tín được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ Đồn trưởng Đồn biên phòng Bù Gia Mập. Còn chị ở nhà gắn bó với con gà, con heo, vui với tình nghĩa hàng xóm, láng giềng.

Chia tay chị Nửa, chia tay miền biên giới huyện Lộc Ninh, tôi men theo đường tuần tra tới xã biên giới Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập. Vượt qua gần 150km, con đường lúc lên như chạm tới chân mây, lúc xuôi dốc thăm thẳm, bên vách núi, bên vực sâu. Tôi tới thăm vợ chồng Trung úy Nguyễn Văn Lộc trong căn nhà mới khang trang tại thôn Đắk Lim, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập. Thấy tôi chăm chú nhìn vào tấm biển “Nhà mái ấm chiến sĩ nơi biên giới” được treo ngay ngắn, chị Ngô Thị Thúy Vân - vợ Trung úy Lộc nói: “Được Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh quan tâm, hỗ trợ xây tặng căn nhà này được 3 tháng nay. Có nhà mới, mẹ con em không còn lo mưa nắng. Dù còn nhiều khó khăn nhưng em sẽ cố gắng chăm lo cho gia đình hạnh phúc để anh Lộc yên tâm hoàn thành nhiệm vụ”.

Năm 2009, anh Lộc vào Bình Phước lập nghiệp theo diện tăng cường từ tỉnh Nghệ An. Sau đó, anh viết đơn tình nguyện phục vụ lâu dài ở Bình Phước. Anh chia sẻ: “Thời gian đó vô cùng khó khăn khi vợ chưa có việc làm, còn cha mẹ ở quê một mực không đồng ý cho ở lại và còn tuyên bố nếu không về sẽ từ mặt con. Tôi vừa cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ vừa giải thích, động viên tư tưởng để bố mẹ đồng ý cho ở lại Bình Phước lập nghiệp”. Đến nay, sau 7 năm vợ chồng anh gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây, cuộc sống gia đình đã ổn định. Chị Vân đang là giáo viên Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, xã Đắk Ơ. Vợ chồng anh sắp đón thêm đứa con thứ 2. “Bà nội gọi điện thoại nói sẽ vào chăm sóc cho hai mẹ con trong thời gian ở cữ, tôi mừng lắm” - anh Lộc vui vẻ.

Nụ cười quân nhân và hậu phương của họ đã cho tôi suy nghĩ: Họ chính là những con người góp phần vừa bảo vệ vừa xây dựng vùng “đất mới” trở nên giàu đẹp hơn, ấm no hơn. Và hơn hết, gia đình họ đã trở thành những “cột mốc sống” nơi biên cương của Tổ quốc.

  • Từ khóa
3626

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu