Thứ 5, 25/04/2024 13:50:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 07:29, 23/03/2016 GMT+7

Gạc Ma - phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc

Thứ 4, 23/03/2016 | 07:29:00 685 lượt xem
BP - Những ngày vừa qua, nhiều địa phương trong nước đã trang trọng tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân 64 chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma, quần đảo Trường Sa. Cộng đồng người Việt tại các nước Lào, Đức, Czech, Pháp… cũng đã tưởng niệm, làm lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma. 28 năm (14-3-1988 - 14-3-2016) đã đi qua nhưng ký ức về trận chiến Gạc Ma bi hùng vẫn còn mãi. Hình ảnh các chiến sĩ nắm tay nhau trước họng súng quân thù, quyết hy sinh bảo vệ biển đảo đã trở thành tượng đài bất tử trong lòng dân tộc.


Phối cảnh Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Không được phép quên

Trong chuyến ra thăm Trường Sa tháng 5-2012, nhà thơ nữ Trần Mai Hường đã xúc động viết bài “Những ngọn sóng tỏa hương”, kính dâng anh linh 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận Gạc Ma 1988. Khổ cuối của bài thơ với những câu: “Nơi các anh ngã xuống/ Máu đã thắm san hô/ Anh linh hòa sóng biếc/ Mãi tỏa hương từng giờ”. Tháng 3-2016, nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã phổ nhạc bài thơ thành ca khúc “Mộ sóng”. Đây cũng là bài hát mới nhất được phổ biến trong dịp tưởng niệm 28 năm 64 chiến sĩ anh dũng hy sinh ở Gạc Ma. Từ ngày 13 đến 19-3, Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh đăng loạt bài “Trường Sa 14-3 - Những hồi ức bi hùng”. Trong kỳ báo thứ 5: “Cuốn nhật ký kỳ lạ từ tàu HQ 505”, ai cũng xúc động bởi những dòng nhật ký, nhất là những bài thơ người lính anh hùng của tàu HQ 505 đã viết. Và năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 14-3, những nén hương thơm, những đóa hoa, cùng tấm lòng thành kính, tri ân của người dân nước Việt lại tưởng nhớ đến những người đã hòa máu xương mình vào biển cả để viết nên trang sử hào hùng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Biển Đông đang dậy sóng với các hành động phi pháp, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Họ bồi đắp, xây dựng đảo trái phép, đưa máy bay, tên lửa ra Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam; đồng thời xây dựng hàng loạt tháp ra đa trên các đảo nhân tạo bất hợp pháp ở đá Gạc Ma, Ga Ven, Châu Viên và đá Tư Nghĩa. Mới đây nhất họ cho tàu Ngôi sao vịnh Bắc bộ đưa 300 khách ra đảo Ốc Hoa, xây dựng cảng hàng không với đường băng 3.500m ở đảo Cây; lấn biển ở khu vực cụm đảo An Vĩnh của Việt Nam... Những hành động quân sự hung hăng của Trung Quốc với âm mưu “nuốt” trọn biển Đông ngày càng lộ rõ. Vì vậy, trận hải chiến Gạc Ma, bài học máu xương của 28 năm trước không bao giờ được phép quên. Người Việt Nam không bao giờ run sợ và sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của mình.

Gạc Ma trong lòng dân tộc

Trong 64 chiến sĩ hy sinh ở trận hải chiến Gạc Ma 1988, tỉnh Quảng Bình có nhiều nhất, với 13 liệt sĩ. Ngày 14-3, tại Nghĩa trang liệt sĩ Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), chính quyền và nhân dân đã tổ chức lễ tri ân 64 chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma. Đây cũng là nơi an nghỉ của Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương, nguyên Chỉ huy phó bãi đá Gạc Ma, quê phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, bất chấp hiểm nguy và hy sinh khi đang quyết giữ lá cờ Tổ quốc.

Cách đây đúng một năm, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma mang biểu tượng “Vòng tròn bất tử” được khởi công xây dựng tại Công viên biển Đông, bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, trên vùng đất rộng 2,5 ha. Khu tưởng niệm tái hiện đầy đủ khúc bi tráng Gạc Ma trên đất liền. Tác phẩm “Hành trình khát vọng” và tượng đài của tác phẩm “Những người nằm lại ở phía chân trời” đã được chọn để thực hiện dự án. Kinh phí xây dựng tượng đài được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức công đoàn và tất cả công nhân lao động trên cả nước, cùng với sự đóng góp của các cơ quan, đơn vị và tấm lòng của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước. Sau đúng một năm đặt viên đá đầu tiên, đến nay đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành các hạng mục, mặt bằng khu vực tượng đài. Riêng cụm tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma đã hoàn thành 70% công việc. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay góp sức, xây thêm mô hình các đảo Cô Lin, Len Đao bên cạnh khu tưởng niệm này theo hướng du lịch sinh thái. Đây là công trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và sẽ hoàn thành đúng Ngày kỷ niệm thương binh - liệt sĩ (27-7-2016). 

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là nơi khắc ghi tên tuổi, chiến công của những người con đất Việt anh dũng hy sinh thân mình bảo vệ chủ quyền thiêng liêng. Công trình nhằm thắp sáng ngọn lửa lòng yêu nước, giáo dục ý thức tự hào lịch sử và phát huy truyền thống cha anh. Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma nhắc nhở thế hệ mai sau không bao giờ quên ngày 14-3-1988, không bao giờ quên những người đã ngã xuống vì quê hương, không bao giờ quên Gạc Ma, một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam. 

Thế Nhàn

  • Từ khóa
111241

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu