Thứ 6, 19/04/2024 18:01:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 00:00, 13/12/2011 GMT+7

Khi bán hàng nếu không giao hóa đơn cho khách sẽ bị phạt đến 10 triệu đồng

Thứ 3, 13/12/2011 | 00:00:00 291 lượt xem

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 169/2011/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 185/2004/NĐ-CP và Nghị định số 39/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2004/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.

Theo đó, tổ chức, cá nhân vi phạm về chứng từ kế toán như lập chứng từ không đầy đủ nội dung chủ yếu hoặc tẩy xóa, sửa chữa chứng từ sẽ bị xử phạt 1,1 triệu đồng, tối đa lên mức 2 triệu đồng, thay vì khung hình phạt từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng như quy định hiện hành. Hành vi lập chứng từ không đủ số liên; ký chứng từ khi chưa ghi đủ nội dung; ký chứng từ mà không có thẩm quyền ký hoặc không được ủy quyền ký; lập hóa đơn bán hàng nhưng không giao hóa đơn bán hàng cho khách hàng hiện chỉ bị phạt từ 1 đến 5 triệu đồng, nhưng kể từ 1-2-2012, tổ chức, cá nhân vi phạm 1 trong 4 hành vi này sẽ bị phạt tới 6 triệu đồng, thậm chí còn bị phạt tới 10 triệu đồng nếu có tình tiết tăng nặng.

Cũng từ ngày 1-2-2012, mức phạt tiền 20 triệu đồng, 25 triệu đồng hoặc 30 triệu đồng (hiện tại là từ 5 đến 20 triệu đồng) được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi giả mạo, khai man chứng từ kế toán; thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ; lập chứng từ có nội dung các liên không giống nhau; bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ không lập hóa đơn; hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng chứng từ kế toán... Các hành vi vi phạm quy định về sổ kế toán cũng được nâng mức xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, hành vi không mở sổ kế toán vào đầu kỳ kế toán năm hoặc từ ngày thành lập đơn vị kế toán; không có chứng từ chứng minh các thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán hoặc số liệu trên sổ kế toán không đúng với chứng từ; không in sổ kế toán ra giấy sau khi khóa sổ trên máy vi tính... hiện tại chỉ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng thì kể từ 1-2-2012, tổ chức, cá nhân vi phạm một trong những hành vi này sẽ bị phạt 10 triệu đồng, thậm chí có thể bị phạt 15 triệu đồng nếu có tình tiết tăng nặng.

Nộp tiền phạt, thời hạn nộp tiền phạt (khoản 1, Điều 19)

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt nộp tiền phạt vào Quỹ ngân sách Nhà nước tại Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn mười (10) ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt tại chỗ.

Hành vi mở sổ kế toán ngoài hệ thống sổ chính thức của đơn vị; giả mạo sổ kế toán; thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo sổ kế toán; cố ý để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị hoặc tài sản có liên quan đến đơn vị; hủy bỏ trước hạn hoặc cố ý làm hư hỏng sổ kế toán sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 22,5 triệu đồng, 25 triệu đồng hoặc 30 triệu đồng thay vì chỉ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng như hiện nay. Các hành vi vi phạm quy định về báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và công khai báo cáo tài chính như lập báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung; lập và trình bày báo cáo tài chính không đúng phương pháp, không rõ ràng, không nhất quán; nộp báo cáo tài chính cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chậm từ 1 đến 3 tháng; công khai báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung; công khai báo cáo tài chính chậm từ 1 đến 3 tháng cũng sẽ bị nâng mức xử phạt vi phạm hành chính từ mức 5 đến 10 triệu đồng lên 10 đến 15 triệu đồng.

Tổ chức, cá nhân nộp báo cáo tài chính cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chậm quá 3 tháng; lập báo cáo tài chính không đúng với số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán; giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính; thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính; cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật; thực hiện việc công khai báo cáo tài chính chậm quá 3 tháng; thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 22,5 triệu đồng, 25 triệu đồng hoặc 30 triệu đồng thay vì áp dụng khung hình phạt từ 10 đến 20 triệu đồng như hiện nay.

Thủ tục tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên (khoản 1, Điều 20)

Khi hành vi vi phạm của cá nhân phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên (gọi chung là Chứng chỉ hành nghề) thì phải thi trong quyết định xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt được thu giữ Chứng chỉ hành nghề và phải thông báo ngay bằng văn bản cho Bộ Tài chính (Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán).

Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán dẫn đến trốn thuế, lậu thuế thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán phải tiến hành xử phạt vi phạm hành chính sau đó phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan thuế cùng cấp để xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế. Các hành vi được coi là vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán dẫn đến trốn, lậu thuế gồm để ngoài sổ kế toán số liệu kế toán hoặc ghi sổ kế toán không đúng quy định làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc làm tăng số thuế được miễn, giảm; sửa chữa, tẩy xóa chứng từ kế toán, sổ kế toán nhằm làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc làm tăng số thuế được miễn, giảm.

Hành vi sử dụng hóa đơn khống hoặc chứng từ khống khác nhằm mục đích làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc làm tăng số thuế được miễn, giảm; hủy bỏ chứng từ, sổ kế toán trước thời hạn quy định nhằm mục đích làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc làm tăng số thuế được miễn, giảm; hoặc lập hai sổ kế toán cho cùng một đối tượng nhưng có nội dung ghi khác nhau nhằm mục đích làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc làm tăng số thuế được miễn, giảm cũng được coi là vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

TH

  • Từ khóa
36070

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu