Thứ 6, 29/03/2024 03:14:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 07:22, 26/09/2019 GMT+7

Duy trì sĩ số học sinh bằng tấm lòng người thầy

Thứ 5, 26/09/2019 | 07:22:00 480 lượt xem
BP - Hằng năm, việc vận động học sinh ở các ấp vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến lớp luôn được các cấp, ngành và trường học đặc biệt quan tâm. Năm học 2019-2020, Trường tiểu học Long Giang, xã Long Giang (Phước Long) dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, tỷ lệ học sinh dân tộc S’tiêng, Việt kiều Campuchia và hộ nghèo còn cao, nhưng xuất phát từ tình thương, trách nhiệm, các thầy, cô giáo luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em yên tâm học tập.

Cơ sở vật chất khó khăn

Năm học 2019-2020, Trường tiểu học Long Giang có 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên với 285 học sinh ở 14 lớp, trong đó 16% học sinh dân tộc S’tiêng, 10 em thuộc diện hộ nghèo và nhiều em hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Những năm trước, trường có 2 điểm lẻ tại thôn 7 và thôn An Lương, cách điểm chính khoảng 4km. Mỗi điểm có 4 lớp từ khối lớp 1 đến lớp 4, học sinh lớp 5 học tại điểm chính. Năm học này, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và 3 làm tường rào của điểm trường thôn An Lương bị đổ hoàn toàn. Nước, đất đá và cành cây từ rẫy của người dân trên cao đổ xuống sân trường, tràn vào lớp học. Mặc dù các thầy, cô giáo, phụ huynh, Đoàn xã và lực lượng dân quân thường trực xã Long Giang chung tay dọn vệ sinh nhưng vẫn không thể tổ chức dạy và học.

Một tiết học của lớp 4A3 điểm trường thôn 7, xã Long Giang (Phước Long)

Để tránh rủi ro và đảm bảo sức khỏe học sinh, trường đã làm tờ trình trình UBND xã Long Giang, Phòng GD-ĐT thị xã chuyển 93 học sinh từ điểm lẻ An Lương về học tại điểm chính. Trường sắp xếp chuyển phòng đọc sách và phòng mỹ thuật làm phòng học, đồng thời bố trí các lớp 3A2 và 4A2 học tiếng Anh, Tin học vào thứ 7 hằng tuần, 100% số lớp học một buổi/ngày. Hiện trường còn thiếu khu hiệu bộ và một số phòng chức năng. Dù vậy, Ban giám hiệu và Hội đồng sư phạm trường đã sắp xếp các phòng học, phòng làm việc ổn định để dạy và học tại trường kịp tiến độ. 

dạy học bằng cả tình thương

Phó hiệu trưởng trường Đặng Đình Thám cho biết: Những năm trước, tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần chiếm tỷ lệ cao, đa số các em là người dân tộc thiểu số ở thôn 7 và thôn An Lương. Nguyên nhân do các em nhận thức chậm, phụ huynh ít quan tâm tới việc học của con. Một số trường hợp kinh tế gia đình khó khăn, cha mẹ ly hôn, con phải ở với ông, bà... Gần đây, trường đã có nhiều nỗ lực trong vận động học sinh trở lại lớp học, tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để các em yên tâm học tập tốt. Năm học 2018-2019, trường chỉ có 2 em nghỉ học, sau đó được các thầy cô giúp đỡ đã quay trở lại lớp và hoàn thành chương trình tiểu học. Đầu năm học 2019-2020, trường có 2 em nghỉ học, hiện 1 em đã đi học trở lại, 1 em đang được trường tiếp tục vận động.

Cô Lại Thị Tươi cho biết: Để vận động học sinh trở lại lớp hiệu quả, ngoài trách nhiệm của các thành viên trong tổ tuyên truyền thì giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất quan trọng. Giáo viên phải hiểu được hoàn cảnh của từng em, trên cơ sở đó sẽ có cách tiếp cận để giúp đỡ. Như trường hợp em Nguyễn Thị Mỹ Tâm, học sinh lớp 5A3, ở với mẹ, kinh tế gia đình rất khó khăn nên từ dịp hè đã đi chẻ hạt điều thuê tại một xưởng gần nhà. Vì không có xe đạp, không có quần áo, sách vở, thực phẩm nên năm học này em bỏ học. Sau nhiều lần đến nhà hỏi thăm, trò chuyện với mẹ con em, tôi trực tiếp đi vận động và được một số doanh nghiệp tặng xe đạp, tập vở, bút, mực, quần áo, các nhu yếu phẩm giúp đỡ em và gia đình. Hiện Tâm đã đi học trở lại.

Khai giảng năm học 2019-2020, Trường tiểu học Long Giang vận động được trên 40 suất quà tặng học sinh nghèo với tổng trị giá khoảng 40 triệu đồng, trong đó có 14 xe đạp, sách vở, tiền mặt và các nhu yếu phẩm khác, góp phần động viên các em tích cực học tập.

Có 2 năm dạy tại điểm lẻ thôn An Lương, cô Nhân Thị Hoàn hiểu rõ điều kiện kinh tế, xã hội của thôn cũng như hoàn cảnh từng gia đình học sinh. Cô Hoàn cho biết: Trong thôn có nhiều hộ Việt kiều Campuchia, phần lớn phụ huynh không quan tâm tới việc học tập của con. Nhiều cặp vợ, chồng đi làm xa từ 7-10 ngày, thậm chí cả tháng mới về, gửi con cho ông bà nội, ngoại nuôi. Có em lười học, thứ 7, chủ nhật lên rẫy với ba mẹ rồi ở lại không về khiến giáo viên không liên lạc được. Để học sinh không bỏ học, hằng ngày chúng tôi tiếp cận từng em, quan tâm cuộc sống gia đình các em. Có em bỏ học đi chăn bò, cô biết đã ra tận nơi trò chuyện, vận động đi học trở lại. Có phụ huynh bị tai nạn, đau bệnh cũng bắt con bỏ học để ở nhà chăm sóc và làm việc nhà, khi đó giáo viên chủ nhiệm cùng học sinh trong lớp tới thăm hỏi, tặng quà động viên. Từ đó, tình cảm, mối quan hệ giữa cô, trò và gia đình gần gũi hơn. Học sinh ngày càng tích cực đi học.

Từ điểm chính tại trung tâm xã Long Giang, vượt 4km bằng xe máy qua các lô cao su với nhiều đoạn đường quanh co, đèo dốc nguy hiểm, chúng tôi tới thăm điểm trường thôn 7. Năm nay, tại đây có 4 lớp với 46 học sinh, đa số là người dân tộc S’tiêng. Chứng kiến tinh thần học tập hăng hái, tự tin của học sinh dân tộc S’tiêng nơi đây, chúng tôi cảm nhận rõ các thầy, cô đã rất cố gắng và dành hết tình thương cho học trò. Cô Đậu Thị Thúy, giáo viên dạy lớp 4A3 nói: “Lớp chỉ có 10 học sinh, các em rất ngoan, lễ phép và đi học chuyên cần. Vì lý do nào đó mà học sinh phải nghỉ học thì phụ huynh trực tiếp tới lớp hoặc gọi điện thoại xin phép cô giáo. Hằng ngày, ngoài dạy văn hóa, tôi thường kể chuyện về những anh hùng, nhân vật nổi tiếng người dân tộc thiểu số để các em thêm tự hào về dân tộc mình, không tự ti mà tích cực phấn đấu học tập”.

Thầy Đặng Đình Thám, Phó hiệu trưởng trường cho biết thêm: “Vận động học sinh đến lớp đã khó, giữ được các em đi học chuyên cần càng khó hơn. Do vậy, việc tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho các em học tập tốt là trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, trong đó thầy, cô giáo phải làm bằng tất cả tình yêu thương. Năm học 2019-2020, cơ sở vật chất của trường càng khó khăn hơn, rất nhiều phụ huynh ở thôn An Lương đề nghị sớm sửa chữa, nâng cấp phòng học và các hạng mục cơ sở vật chất tại điểm trường này để học sinh thuận tiện học tập, phụ huynh cũng không phải hằng ngày đưa đón con tại điểm chính.

Quang Minh

  • Từ khóa
88951

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu