Thứ 3, 19/03/2024 18:39:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:12, 17/04/2014 GMT+7

Đường vòng

Thứ 5, 17/04/2014 | 08:12:00 142 lượt xem

Mấy ngày qua, dư luận cả nước lại nóng lên bởi dự án ngàn tỷ bị tạm ngừng thi công ở Hà Nội. Đó là dự án đường Trường Chinh với số vốn đầu tư 2.560 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 2.022 tỷ đồng nhưng bị bẻ cong khiến dư luận bất bình nên phải tạm hoãn.

Câu hỏi được đặt ra là vì sao một con đường vốn thẳng trong hiện tại, khi nâng cấp, mở rộng lại bị uốn cong? Trước sức ép của dư luận, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đã phải tổ chức họp báo và Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc. Quan điểm của thành phố Hà Nội trước vụ việc này là sẽ làm nghiêm túc, không có chuyện cong thẳng để né nhà ai đó. Dù nhà quan chức, lãnh đạo cũng như nhà người dân bình thường, không có gì khác nhau. Phương án nào kinh tế nhất, tốn kém ít nhất cho ngân sách nhà nước, đúng quy hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thì làm. Và câu trả lời đã có. Đúng là đường Trường Chinh đã bị bẻ cong, nhưng là “cong mềm mại” theo kiểu trả lời của người đại diện Văn phòng UBND thành phố, “cong so với những chỉ giới quản lý quy hoạch mà thành phố đã quản lý trước đó”.

Đó là chuyện ở tận thủ đô. Còn ở thị xã Đồng Xoài, dù không phải là dự án ngàn tỷ, nhưng cũng có một con đường cong (đường vòng) là đường số 20 ở ngay trung tâm thị xã. Việc xây dựng và đưa vào sử dụng đường số 20 và tuyến đường thoát nước nối từ QL14 đến đường Phú Riềng Đỏ, thuộc địa bàn khu phố Tân Bình, phường Tân Bình (TX. Đồng Xoài) đã góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang đô thị và giải quyết căn bản tình trạng ngập úng ở khu vực này. Thế nhưng ngày con đường được đưa vào sử dụng, người dân thị xã đã ngỡ ngàng không biết vì sao con đường chỉ dài chừng 600m, hoàn toàn được quy hoạch mới, đang chạy rất thẳng lại bỗng dưng bị bẻ cong hai đoạn. Báo chí trong tỉnh cũng đã từng lên tiếng về con đường này, nhưng mới chỉ đề cập đến những căn nhà siêu mỏng, siêu méo gây phản cảm ở hai bên đường. Thậm chí có căn chỉ còn hơn 4m2 vẫn được điều chỉnh sổ đỏ chứ chưa đề cập tới hình thù con đường. Có người đoán già đoán non: Có lẽ con đường phải uốn lượn như thế để giảm bớt chi phí đền bù. Nhưng cũng có nhiều người đoán rằng con đường uốn lượn như thế để tránh nhà ai đó!?

Từ câu chuyện đường Trường Chinh ở Hà Nội và đường số 20 ở thị xã Đồng Xoài, tự nhiên, tôi lại nhớ hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính: “Cái ngày cô chửa lấy chồng, đường gần tôi cứ đi vòng cho xa”. Ấy là nói tới tâm tư của chàng trai đang yêu. Vì yêu nên chàng trai muốn kéo dài cảm xúc của mình bằng cách “mua đường”. Cứ đi mãi thành lối. Rồi người đời đi theo mà thành đường.

Nhưng rồi lại nghĩ, chàng trai trong câu thơ của Nguyễn Bính, nếu có sống đến giờ thì chắc cũng đã có ôtô, ít nhất là có xe máy. Vậy thì chuyện xa gần chẳng quan trọng bằng việc nhà bạn gái của anh ta ở trên mặt con phố nào, có phải không!?

L.T

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu