Thứ 5, 25/04/2024 13:27:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 15:49, 23/01/2015 GMT+7

Đuổi theo sự 'hòa hợp'

Thứ 6, 23/01/2015 | 15:49:00 232 lượt xem
BPO - Phàm vợ chồng sống chung, dở-hay, xấu-tốt sẽ tự nhiên phơi bày. Nhìn vào điểm tốt để yêu, ngẫm “nhân vô thập toàn” để cứu rỗi cho những khuyết điểm. Nhưng, khi “xấu, dở” trở thành cố tật, tính cách không gì xoay chuyển được; là lúc người phối ngẫu phải tự mình thay đổi - hoặc chịu đựng cho đến tàn hơi.

Hồi mới cưới nhau, Thu hớn hở hỏi chồng: “Sắp sinh nhật em, anh định tặng quà gì?”. Đáp lại, Phúc phán một câu như muốn... đạp người nghe xuống hố: “Tào lao! Màu mè, bày vẽ. Tính anh, em còn không biết sao?”. Phúc thường bảo: “Anh không thuộc trường phái đám đông, nên những chuẩn mực đám đông, đừng quy anh vào”. Chung sống với nhau, Thu hụt hơi đi từ ngỡ ngàng này đến tủi thân, ấm ức khác khi nương theo “chủ nghĩa tự nhiên, cá nhân, đơn giản hóa mọi việc - kiểu... ta là Phúc” của chồng. Không có chuyện tặng hoa vào một dịp đặc biệt, cứ thuận theo tự nhiên, ai đói thì ăn, không việc gì phải chờ đợi.

Sẽ không bao giờ Thu quên được mùa Tết của năm đầu sống chung một mái nhà. Nghe nhiều người khoe đã có trong tay tấm vé về quê ăn Tết, Thu sốt ruột, dặn chồng lo đặt vé. Phúc bình chân như vại: “Mắc gì phải lập trình mọi thứ như thiên hạ. Cứ đơn giản, tự nhiên mà sống. Không cách này mình cũng có cách khác để đi, miễn về đến quê là được”. Để rồi, cách khác của Phúc là cuối cùng, vợ chồng tay xách nách mang, đứng ngoài đường đón xe cả buổi. Hay, đó là cái cảm giác cụt hứng mỗi khi Thu muốn kể cho chồng nghe một chuyện “ngoài mình”. Hôm đó, trong bữa cơm, Thu cám cảnh bảo ông sếp nơi cô làm vừa đuổi việc chị kế toán lớn tuổi, rồi rước về một em nai tơ. Đang huyên thuyên phân tích “nội tình”, Thu bị chồng cắt ngang: “Ủa, có liên quan gì đến anh không mà bắt nghe?”, khiến cô... bẽ bàng.

Những tính cách lạ kỳ, “quái dị” của chồng mà Thu khẳng định, đó chính là khuyết điểm: Phúc quá đề cao cái tôi, thành ra thiếu tôn trọng, sẻ chia cùng bạn đời; lại có những điều hay, trở thành ưu điểm: Phúc có thể bất ngờ mang về tặng vợ món quà mà chẳng nhân dịp gì; chủ nghĩa đơn giản khiến anh không đặt nặng chuyện bếp núc hay những gì gây vất vả cho vợ; hoặc hứng lên lại đèo vợ vượt 40 cây số để ăn món bò tơ Củ Chi đúng điệu...

Nuôi sống Linh là một Thế - người chồng chu đáo, nâng vợ như trứng mỏng mà “giết” chết Linh cũng là một Thế - người chồng lắm lúc khiến vợ lặng câm, cúi đầu. Bận bịu với chức vụ giám đốc một đại lý chuyên phân phối các mặt hàng nhập khẩu, nhưng những lúc rảnh, Thế không ngại tháp tùng vợ mua sắm, đưa đi chơi; cùng vợ giải quyết công việc nhà. Muốn vợ thưởng thức món ăn do mình nấu, mỗi tuần hết bốn ngày Thế tranh quyền vô bếp; trước đó, còn không quên hỏi Linh thích món ăn gì. Mỗi sáng, anh đều không quên nhắc: “Vợ có cần anh đưa đi làm không?”. Mảng màu tươi sáng ấy được Linh thường xuyên cập nhật trên facebook của mình. Linh hãnh diện chứng minh rằng, không có sự khác biệt giữa Thế - người yêu với khi trở thành chồng.

Nhưng... “nóng” - chỉ một từ gói gọn bao khuyết điểm khiến Linh nát tan về chồng. Cái tát đầu tiên Thế dành cho vợ trong cuộc đời vợ chồng, làm tiêu tán bao đẹp đẽ về anh, bắt nguồn từ một lý do trời ơi. Hôm đó vợ chồng đang xem phim, đến hồi nhân vật tưởng chính diện, lại lộ ra là kẻ thủ ác, thế quay sang vợ: “Ủa, là sao. Người này hiền lắm mà”. Quán tính, Linh thốt lên: “Anh im coi, đến đoạn hay”. Thế... cụt hứng. Rồi, Linh bất ngờ “tua” lại đoạn vừa xem, cằn nhằn: “Phải coi lại, anh hỏi làm em không nghe được họ nói gì”. Thế giật iPad trên tay vợ, ném xuống sàn nhà. Linh trố mắt, nói hỗn: “Anh làm cái gì vậy. Không coi thì xéo!”. Mặt Thế đỏ au. Anh dang tay tát vợ. Lỗi-phải, dỗ dành vợ luôn theo sau cơn nóng nảy, nhưng bản tính Thế khó dời, lại có chiều hướng gia tăng. Có bữa Linh chê món canh mặn, anh lầm lì một đỗi, đợi tiếng... thở dài lần hai của vợ là quăng tô canh xuống đất.

Lắm khi, cơn nóng nảy của Thế khởi nguồn từ những bất trắc, không vừa ý ở bên ngoài. Về đến nhà với bộ mặt nặng nề, chỉ một lời nói không hợp tai của vợ cũng khiến Thế nổi điên. Mới đây nhất, là chuyện đại lý của Thế đang tồn hàng, mà giá thị trường bỗng giảm xuống đột ngột. Thế muốn giữ nguyên giá bán nhưng “bên kia” không chịu, buộc phải bán giảm rồi bù lỗ phân nửa. Thế về nhà trong tâm trạng không vui, Linh lại “vô ý” khoe đôi giày vừa mua liền bị Thế “chỉ tay vào mặt”: “Cô ăn diện vừa thôi! Lo mà liệu cơm gắp mắm”. Rồi, như được khơi lòng, Thế “xổ” nguyên mấy câu tục không nhắm vào Linh, chửi từ nhà phân phối đến sự lên xuống thất thường của giá cả; mà, ngoài Linh ra, đâu có ai bị nghe thấy những lời đó.

***

Quá trình chung sống, bị mắc kẹt giữa hai nửa tốt-xấu, dở-hay của bạn đời khiến người kia khi yêu thương lúc chán ngán là chuyện thường tình. Không bình thường ở chỗ, thói tật trở thành một tính cách, không có sự thay đổi thì sẽ mở ra một đường đua mà người cố chạy, kẻ lại đuổi bắt.

Cuộc sống của những người vợ như Thu, Linh khác nào cuộc chạy đua miệt mài, cố sống theo khuyết điểm trở thành một phần bất di trong con người chồng; để hòa hợp nếu không muốn chệch chân khỏi đường ray hạnh phúc. Sự hòa hợp bao hàm biết chịu đựng, thích nghi lẫn tự thân điều chỉnh. Thu không đòi hỏi nữa những món quà, bó hoa đúng dịp; học cách quên bỏ bao nhiêu chuyện “ngoài mình” trong chia sẻ, trò chuyện với chồng cũng như phải tự “lập trình” nhiều thứ cần lập trình để chủ động, không lệ thuộc vào chồng mà đâm ra thất vọng. Còn Linh, sau những nóng nảy phi lý của chồng, phải tự đúc kết cho mình kinh nghiệm “nhìn mặt chồng đoán buồn vui nhằm ứng xử”; tập “uốn lưỡi” để lời nói không khơi chạm cơn nóng nảy của chồng.

Nhưng, ai chắc rằng đó sẽ là cuộc chạy đua không dẫn người đuổi bắt đến trối chết nếu người cố chạy vẫn kiên quyết không dừng? Khi ấy, hôn nhân buộc đặt trên bàn “sinh tử” bởi chán chường, mệt mỏi. Gwyneth Paltrow - nữ minh tinh Hollywood, mới đây chia sẻ về cuộc hôn nhân “giãy chết” với ca sĩ Chris Martin: “Chẳng có chuyện gì khủng khiếp hay bất kỳ bi kịch nào xảy ra. Tôi đã xây dựng cuộc đời mình bằng cách cố gắng làm mọi thứ để chiều lòng, sao cho vừa lòng tất cả mọi người; và rồi tôi không thể tiếp tục làm như vậy được nữa”.

Sự hòa hợp bao hàm biết chịu đựng, thích nghi lẫn tự thân điều chỉnh. Nhưng, ai chắc rằng đó sẽ là cuộc chạy đua không dẫn người đuổi bắt đến trối chết nếu người cố chạy vẫn kiên quyết không dừng? Khi ấy, hôn nhân buộc đặt trên bàn “sinh tử” bởi chán chường, mệt mỏi.

Nguồn PNO

 

  • Từ khóa
107620

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu