Thứ 3, 23/04/2024 13:38:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:28, 17/12/2019 GMT+7

Dũng tướng Lê Ngân

N.D
Thứ 3, 17/12/2019 | 14:28:00 2,117 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt thông sử”, Lê Ngân là một trong những người đầu tiên đến tụ nghĩa ở Lam Sơn. Ông luôn hăng hái sát cánh với Lê Lợi, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu nhằm lật đổ ách đô hộ của quân Minh, giành lại độc lập và chủ quyền đất nước. Đến với Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, Lê Ngân đã nhanh chóng bộc lộ và không ngừng nâng cao tài năng quân sự của mình. Ông dần dần trở thành võ tướng cao cấp của Lam Sơn và lập công xuất sắc trong nhiều trận đánh lớn.

Trận Lạc Thủy diễn ra vào ngày 13-4 năm Mậu Tuất. Bấy giờ, khởi nghĩa Lam Sơn vừa bùng nổ được hơn 4 tháng và đang chiến đấu trong điều kiện hết sức khắc nghiệt. Với quân số áp đảo, quân Minh liên tiếp tổ chức hàng loạt cuộc tấn công đàn áp khác nhau. Chỉ tính riêng từ ngày 14 đến 18-5-1418, Lam Sơn đã phải chống trả quyết liệt với 2 cuộc càn quét lớn: Ngày 14-5-1418, ngay sau khi Lê Lợi và nghĩa quân vừa trở về Lam Sơn thì đại quân của giặc kéo đến và nghĩa quân đành phải rút lui lên Lạc Thủy. Ngày 18-5-1418, tướng giặc là Mã Kỳ lại đem quân đánh gấp vào Lạc Thủy. Bấy giờ, nhờ dự đoán đúng diễn biến của tình hình, Lê Lợi liền lập tức cho quân mai phục sẵn ở một vị trí hiểm yếu, nằm trên đường dẫn vào Lạc Thủy, quyết đánh một trận phủ đầu thật bất ngờ với quân Minh. Trong trận mai phục này do các tướng Lê Ngân, Lê Thạch, Đinh Bồ và Nguyễn Lý chỉ huy. Khéo tận dụng địa thế lại đánh một cách rất bất ngờ và hiểm hóc, nghĩa quân Lam Sơn đã thắng lớn. Trong trận đánh quan trọng này, tên tuổi của các tướng nói trên, đặc biệt là Lê Ngân và Lê Thạch, trở nên nổi bật. Từ đây, Lê Ngân luôn được Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn tin cậy, giao phó những nhiệm vụ quan trọng.

Cuối năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn bất ngờ tấn công vào Nghệ An theo kế hoạch chiến lược của Nguyễn Chích và đã nhanh chóng thu được những kết quả tốt đẹp. Nghĩa quân Lam Sơn chiếm được Trà Lân và khống chế đồng bằng Nghệ An. Quân Minh do Trần Trí và Phương Chính cầm đầu, dự tính sẽ đánh úp Trà Lân, quyết bóp nát lực lượng của Lam Sơn trong trận càn quét lớn này. Không may cho Trần Trí và Phương Chính, Bộ chỉ huy Lam Sơn đã nhanh chóng cho quân đánh chiếm Khả Lưu là cửa ải quan trọng trên đường tiến vào Trà Lân. Mưu toan lợi dụng sự bất ngờ của giặc không thể thực hiện được nữa. 4 ngày sau, quân Lam Sơn giả vờ rút khỏi Khả Lưu rồi vòng lại bố trí phục ở ngay khu đất hiểm này. Trần Trí và Phương Chính ngỡ là Lam Sơn sợ mà rút, liền xua quân đuổi theo nhưng bị phục binh của nghĩa quân Lam Sơn từ 3 phía đổ ra đánh. Trong trận đánh này, Lê Ngân và Lê Sát là 2 tướng tiên phong, được coi là những người lập công lớn nhất.

Sau trận này, Trần Trí và Phương Chính lại lui quân về bãi Phá Lữ, còn nghĩa quân Lam Sơn thì tu bổ chiến lũy để đóng lại ở Khả Lưu. Bấy giờ vì thiếu lương thực, việc đóng lại ở Khả Lưu lâu dài là điều rất khó khăn, còn như rút lui, bỏ đất hiểm ấy cho giặc cũng là điều không thể được. Theo ý kiến của tướng Nguyễn Vĩnh Lộc, nghĩa quân Lam Sơn giả vờ đốt doanh trại ở Khả Lưu để rút lên miền thượng lưu, nhưng sau đó thì cho quân vòng lại để mai phục. Trần Trí và Phương Chính lại một lần nữa bị mắc mưu, bị dồn vào thế trận bày sẵn để rồi bị tiêu hao rất nặng nề.

Trong trận Khả Lưu, nghĩa quân Lam Sơn thắng lớn, bắt sống được tướng giặc là Chu Kiệt và giết được tướng giặc là Hoàng Thành, bắt sống hơn 1 vạn quân Minh. Sử cũ trân trọng chép tên 11 vị tướng Lam Sơn có công lớn ở trận mai phục này, đó là: Lê Sát, Bùi Bị, Phạm Vấn, Đinh Lễ, Lưu Nhân Chú, Lê Ngân, Trương Chiến, Lê Tôn Kiều, Lê Khôi, Lê Bôi và Lê Văn An.

Lời bàn:

Trong lịch sử phong kiến của dân tộc ta, triều Lê sơ lập nên những chiến công hiển hách với đỉnh cao là thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, giành lại độc lập cho dân tộc. Lẽ tất nhiên là một mình Lê Lợi không thể làm nên đại nghiệp ấy, mà trong đó là công sức của cả dân tộc và đặc biệt là những dũng tướng tài ba, những văn thần xuất chúng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Sát, Lê Ngân, Phạm Văn Xảo... Vua Lê Thái Tông từng viết về dũng tướng Lê Ngân như sau: Khi bị vây ở Ai Lao thì đùi vế khinh thường giáo mác, khi hết lương ở Linh Sơn, như cây tùng dạn với tuyết sương. Rồi khi quét sạch đàn ong ở Bồ Đằng, Khả Lưu, sau lại phá tan lũ kiến ở Nghệ An, Thuận Hóa. Trận đánh bên Tây Việt mấy chục năm cây cỏ còn ghi, công khôi phục Đông Đô nghìn muôn thủa sử xanh vẫn chép...

Mặc dù là một trong những công thần khai quốc, từng được giao nhiều trọng trách và đã lập nhiều chiến công hiển hách, nhưng khi đang ở đỉnh cao quyền lực, ông cũng như nhiều công thần từng tham gia khởi nghĩa và gia đình của họ phải chịu những bản án đầy bi thương. Và đây có lẽ là điển hình của câu thành ngữ: “Được chim bẻ ná” hay “Được cá quên nơm”. Ý nghĩa của 2 câu thành ngữ này là nói về những người vong ân bội nghĩa, lúc khó khăn nghèo hèn thì nhờ cậy người khác, đến khi thành công sung sướng thì phản bội những người giúp mình lúc trước. Đồng thời, cả 2 câu thành ngữ còn ngụ ý khuyên rằng khi chịu ơn người khác, nếu không trả ơn được thì cũng phải tỏ ra biết ơn, chứ đừng vô ơn bạc nghĩa.

  • Từ khóa
110271

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu