Thứ 7, 20/04/2024 12:03:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:32, 24/02/2018 GMT+7

Dũng tướng cảm tử

Thứ 7, 24/02/2018 | 15:32:00 324 lượt xem

BP - Trong lịch sử mấy ngàn năm đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, dân tộc Việt Nam đã sử dụng đủ loại chiến thuật, nhưng với cách đánh cảm tử bất ngờ đột kích vào trại địch giết chết chủ tướng, có lẽ chỉ xảy ra trong một trận đánh cuối thời Lê sơ. Đó là chuyện diễn ra vào thời vua Lê Tương Dực. 2 năm sau khi Lê Tương Dực lật đổ “vua quỷ” là Lê Uy Mục để lên ngôi, nhưng tình hình trong nước vẫn chưa yên, ngay tại Sơn Tây đã nổ ra một cuộc nổi loạn khiến kinh thành Đông Kinh rúng động.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép: Tháng 11-1511, Trần Tuân là cháu của Lại bộ Thượng thư Trần Cận trước kia, người làng Quang Bị, huyện Bất Bạt nổi loạn ở vùng Sơn Tây. Ảnh hưởng của cuộc nổi dậy khiến nhân dân các phố xá ở kinh thành náo động, nhà nhà đều đem vợ con về quê quán, đường phố không còn một ai đi lại. Thấy nhân dân quá kinh sợ giặc, vua Tương Dực phải sai Hộ bộ hữu thị lang Lê Đĩnh Chi, cùng các quan đi khám xét các phố xá hàng chợ, xem người nào còn nhà ở, người nào vợ con đã về quê quán và ra lệnh cấm rất nghiêm ngặt, xử tội rất nặng những người đã cho vợ con về quê quán, dân chúng khó bề nhấc chân động tay.

Minh họa: S.H

Do đó, dân kinh thành đành phải nhờ người khác đến nói dối là vợ con mình để đợi quan tới khám xét. Sau đó, vua lại sai người đến tận nhà các đại thần và văn thần xem thực hư ra sao, thì thấy vợ con của 5 người là Lê Đĩnh Chi, Nguyễn Tông Thốc, Nguyễn Lý Quang và Hàn lâm kiểm thảo Ngô Tuy, Giám sát ngự sử Trần Húc đều đã về nguyên quán. Sau đó, vua sai giết Đĩnh Chi ở ngã ba phường Đông Hà, vì cho rằng Đĩnh Chi làm quan đi khám xét mà vợ con lại trốn về quê trước, cho nên xử tội.

Để đánh quân Trần Tuân, vua Tương Dực sai Mỹ Huệ hầu Trịnh Duy Sản cầm quân xuất trận. Bấy giờ, quân của Tuân đã tiến sát đến huyện Từ Liêm, quân triều đình bại trận, lui về đóng ở các xứ Đông Ngạc, Nhật Chiêu. Thế quân của Trần Tuân rất mạnh, muốn bức sát kinh thành. Nghĩa quốc công Nguyễn Văn Lang sai quân 6 vệ Điện tiền kéo thuyền Tiểu Thiên Quang xuống sông, định đưa hoàng đế ngự về Thanh Hóa, giữ nơi hiểm yếu rồi gọi hết bọn thợ của các sở ở Công bộ tại xứ Đông Hà để giữ. Đến đêm, bọn thợ hoảng sợ trốn về cả.

Vua Tương Dực lại sai Minh Luân bá Lê Niệm, Tổng thái giám Lê Văn Huy và 2 người khoa văn học sinh đem lực sĩ của 2 ty Hải Thanh và Hà Thanh chèo 2 chiếc thuyền nhẹ ra xứ Từ Liêm để dò xét tình hình quân giặc. Lê Niệm đến chợ An Giang, trước thấy phố xá bị thiêu rụi, quan quân đã bại trận rút về, vượt sông vào xã Quả Hối. Niệm sợ hãi vội chạy về và hốt hoảng vào điện tâu lại sự tình trước mặt Tương Dực, khiến triều đình càng thêm náo loạn.

Lúc bấy giờ, quân của Trịnh Duy Sản (là cháu nội của công thần khai quốc nhà hậu Lê - Trịnh Khắc Phục) bị giặc đánh bại, thủ hạ chỉ còn trên 30 người. Đội quân này liền xé áo làm hiệu, thề cùng nhau đánh giặc. Chập tối, đội quân ít ỏi của Trịnh Duy Sản thình lình xuất hiện, đột kích vào dinh của Trần Tuân, thấy Tuân mặc áo đỏ ngồi trên giường liền dùng giáo đâm chết Tuân, bè đảng của Tuân đều tan chạy cả. Những quân lính của Tuân đóng ở chỗ khác, không biết là Tuân đã chết, vẫn cứ đóng quân như trước.

Ngày 20-11-1511, vua Tương Dực làm lễ tấu cáo ở Thái Miếu, rồi sai Nguyễn Văn Lang đem tướng sĩ, voi ngựa của các doanh xuất quân ra ngoài thành. Bấy giờ, Duy Sản liền thừa thế bắn 3 tiếng súng, các quân đánh trống hò reo tiến vào, đánh tan quân giặc, đuổi theo đến các xã Thụy Hương, Quả Động, Đông Ngạc. Nhờ chiến công giết chết Trần Tuân, sau này định công ban thưởng, vua ban phong Trịnh Duy Sản là Nguyên quận công, những người đi theo Duy Sản đâm chết được nhiều giặc đều được trao chức Đô chỉ huy đồng tri. Việc xét quân công có lệ người nào giết được nhiều giặc thì được trao quan chức bắt đầu từ đó.

Lời bàn:

Nhà Lê sơ là giai đoạn đầu của nhà hậu Lê, một triều đại phong kiến được thành lập sau khi vua Lê Thái Tổ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và chiến thắng quân Minh. Thời Lê sơ kéo dài đúng 100 năm, với 10 vua thuộc 6 thế hệ, đây là thời kỳ các vua Lê nắm trọn được quyền hành, cũng là thời kỳ vĩ đại, hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam. Đặc biệt dưới thời Lê Thánh Tông, đất nước phát triển mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục thi cử, quân sự... Nước Đại Việt chưa bao giờ cường thịnh như thời này.

Thế nhưng, khi lần lượt các bậc khai quốc công thần ra đi, người bị giết oan, kẻ chết già, triều đình nhà Lê nhanh chóng lâm vào cảnh suy bởi các ông vua Uy Mục tàn ác, Tương Dực xa hoa trụy lạc, Chiêu Tông thiếu sáng suốt. Cả 3 vua đều không đủ năng lực và quyền thần nổi lên nắm quyền, đất nước rơi vào cảnh biến loạn là lẽ tất yếu. Và khi ấy, Trịnh Duy Sản là người có công dẹp loạn từ trong triều đến việc đánh giặc giã. Nhưng một mình Trịnh Duy Sản không thể làm thay đổi tình hình đất nước khi đó. Chính lúc ấy, nếu không có Mạc Đăng Dung thì những quyền thần khác cũng làm điều tương tự. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của một vương triều oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc và đây cũng là bài học vô cùng quý giá cho hậu thế trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

N.D

  • Từ khóa
110018

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu