Thứ 5, 25/04/2024 18:41:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:44, 10/09/2016 GMT+7

Đừng tạo cớ cho các thế lực thù địch chống phá Đảng

Thứ 7, 10/09/2016 | 10:44:00 875 lượt xem
BP - Trong đám bạn bè thời phổ thông của tôi, có một bác sĩ rất giỏi chuyên môn, công tác tại một bệnh viện lớn tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều năm trước, mỗi lần bạn bè cùng trường tụ tập, chúng tôi thường hỏi thăm việc làm của nhau, không phải để khoe khoang chức vụ mà có thể hỗ trợ, giúp đỡ bản thân hoặc con cái của nhau về công việc.

Điều khiến tôi ngạc nhiên là vị bác sĩ này không giữ bất cứ một chức vụ gì, dù anh tốt nghiệp loại xuất sắc, từng tham gia nhiều công trình nghiên cứu với các vị giáo sư đầu ngành và đã có nhiều bài nghiên cứu chuyên sâu được đăng tải trên các tạp chí khoa học nổi tiếng của thế giới. Ngạc nhiên hơn nữa là anh không muốn phấn đấu vào Đảng, dù anh luôn năng nổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đã nhiều lần cấp ủy đảng nơi anh công tác có ý quan tâm bồi dưỡng, đưa anh vào danh sách học đối tượng đảng, nhưng lần nào anh cũng lấy cớ này cớ nọ để từ chối. Lý do anh đưa ra là “tự thấy mình chưa đủ năng lực, trình độ, tâm huyết nên chưa xứng đáng được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đề nghị cấp ủy cho thêm thời gian để tu dưỡng, rèn luyện khi nào tự thấy xứng đáng thì mới xin đi học”. Đã qua 4 đợt kết nạp đảng viên nhưng anh cứ khất lần như thế. Nay tuổi anh đã cao nên cấp ủy đơn vị không động viên nữa. Và anh “thở phào” vì điều đó.

Qua bạn bè, người thân của anh, tôi mới biết đích thực nguyên nhân sâu xa khiến anh không muốn phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đó là anh bị tác động tiêu cực từ những “tấm gương xấu” trong đội ngũ công bộc của dân được nêu trên báo chí, trong cuộc sống hằng ngày và ngay cả trong cái bệnh viện nơi anh công tác. Mỗi khi có một vụ tham nhũng mới được phanh phui hay dư luận không hay về một quan chức địa phương nào đó, anh thường tỏ ra bức xúc và có những câu quy kết khá nặng nề, rằng chỉ những người có chức có quyền (đương nhiên họ đều là đảng viên) mới tham nhũng được chứ cán bộ, công chức bình thường có muốn tham nhũng cũng khó. Ngay trong khoa của anh, có vị trưởng khoa là “hậu duệ” của một vị quan chức cấp cao, trình độ chuyên môn rất yếu. Nhưng đáng ghét nhất là hễ thấy người giỏi hơn mình là anh ta tỏ thái độ thù ghét, là “đì”. Vì thế, anh không muốn “ngồi chung mâm” với những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất ấy. Theo anh, thà mở phòng mạch tư, hết giờ làm việc tại bệnh viện thì về “câu cá” nuôi vợ con một cách đàng hoàng, chẳng phải tham nhũng, nhận hối lộ, cũng chẳng “gây thù chuốc oán” với ai! Và thực tế là cái phòng mạch tư của anh đã và đang mang lại cho anh nguồn thu nhập rất đáng kể.

Tâm tư của anh bạn bác sĩ mà tôi nhắc tới thực ra là không hiếm. Đành rằng thực tế có không ít cán bộ chủ chốt là hình mẫu phấn đấu của nhiều người nhưng lại chưa lấy phương châm, đạo lý vì dân, vì nước làm mục tiêu trong quá trình công tác. Họ tìm mọi cách để ngoi lên vị trí lãnh đạo rồi từ đó sử dụng quyền lực để trục lợi, để thao túng những người cùng ê kíp. Họ “đi tắt đón đường”, dùng quan hệ để đưa các thành viên trong gia đình, họ hàng hoặc có mối thân quen vào các vị trí quan trọng nhằm tạo ra lợi ích nhóm không chỉ trong giai đoạn tại vị mà còn tính đường lâu dài cho con cháu. Sau những vụ án kinh tế lớn, những cuộc di chuyển vị trí công tác để thăng quan tiến chức nhanh một cách bất thường đã tạo dư âm không tốt trong đời sống xã hội nước nhà. Và những người bản lĩnh không vững vàng, không có khả năng biện chứng trước những sự việc, hiện tượng như anh bác sĩ nọ rất dễ bị lung lay. Điều đó không chỉ đáng tiếc cho sự vươn lên cống hiến hiệu quả hơn của cá nhân anh mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất phương hướng, mất niềm tin vào cuộc sống, vào chế độ của một lớp cán bộ. Đôi khi họ đánh đồng những người đang được giao trọng trách phục vụ nhân dân với những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi mới bị phanh phui. Họ thường chua chát nói câu “kính thưa các đồng chí chưa bị lộ” để bày tỏ thái độ không tin tưởng.

Vẫn biết những tiêu cực, nhũng nhiễu đó đây trong bộ máy của Đảng, Nhà nước đã và đang làm méo mó hình ảnh người cán bộ, đảng viên, nhưng cuộc sống hôm nay có rất nhiều cán bộ, công chức của Đảng, Nhà nước tận tâm tận lực trong công việc. Họ sẵn sàng nhận khó khăn về mình. Ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, vào ngày nghỉ họ còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện ở những vùng sâu, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngay giữa thời bình, máu của các chiến sĩ công an, phi công vẫn không ngừng đổ trên đường phố, trên các chuyến bay thực hiện nhiệm vụ. Mới chỉ vài ngày trước, một học viên phi công đã tử nạn khi đang bay huấn luyện trên bầu trời tỉnh Phú Yên... Bởi thế, tôi muốn nhắn gửi đến anh bạn bác sĩ và những người có suy nghĩ giống anh rằng hãy khách quan trong nhìn nhận, đánh giá những gì mà Đảng, Nhà nước ta đã làm được trong thời gian qua. Nhờ các chủ trương, chính sách đúng đắn và tổ chức thực hiện hiệu quả, đời sống của người dân, trong đó có gia đình anh đã được cải thiện rất nhiều. Đó cũng chính là sự báo đáp của những người đang sống hôm nay đối với sự hy sinh to lớn của bao thế hệ. Có bao giờ anh tự hỏi, từ đâu mà anh trở thành bác sĩ giỏi chuyên môn? Nếu không được Nhà nước quan tâm đào tạo thì làm sao bây giờ anh có thể yên ấm, “sống khỏe” với cái phòng mạch tư của mình!?

Cuộc sống hôm nay có nhiều phức tạp. Nhưng những trí thức, từng được đào tạo bài bản và đang đóng vai trò rường cột của nước nhà cần phải vững vàng và phải có cái nhìn biện chứng trước những sự việc, hiện tượng. Chính sự chao đảo, ngả nghiêng, thiếu niềm tin của những trí thức vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước sẽ là cái cớ rất tốt để các thế lực thù địch lợi dụng nói xấu Đảng, nói xấu và chống phá chế độ.

Linh Tâm

  • Từ khóa
2503

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu