Thứ 7, 20/04/2024 11:47:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:37, 04/08/2017 GMT+7

Đừng quên những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn!

Thứ 6, 04/08/2017 | 08:37:00 82 lượt xem

BP - Ngày 31-7, Ban chỉ đạo (BCĐ) cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường” đã họp để đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động năm học 2016-2017 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm học tới.

Quỹ Tiếp bước cho em đến trường là một trong những quỹ nhân đạo được thành lập nhằm hỗ trợ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường.

Tại Bình Phước, quỹ được thành lập từ năm 2010 với 11 thành viên BCĐ. Đây cũng là quỹ vận động xã hội được Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm và có quy chế hoạt động của BCĐ. Tuy nhiên, mỗi năm các thành viên BCĐ đều có sự thay đổi nhiều do thay đổi vị trí công tác, do nghỉ hưu hoặc các lý do khác. Bên cạnh đó, tất cả thành viên đều hoạt động kiêm nhiệm, có người tham gia hàng chục BCĐ... đã ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của ban cũng như kết quả vận động.

Theo quy chế, mỗi cán bộ, công nhân viên chức trên địa bàn tỉnh đóng góp tối thiểu 1 ngày lương/năm, mỗi hộ dân đóng góp tối thiểu 2.000 đồng/năm để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, chỉ hai năm đầu thành lập (2010-2011) quỹ hoạt động hiệu quả, nguồn vận động thu về khá nên đã có nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh được tiếp bước đến trường. Năm học 2014-2015, quỹ chỉ thu được 1,34 tỷ đồng, giảm đáng kể so với trước, đến năm học 2015-2016 cũng chỉ nhỉnh hơn một chút, được 1,48 tỷ đồng. Và đến năm học 2016-2017, số vận động lại thụt lùi khi toàn tỉnh chỉ vận động được gần 540 triệu đồng; cộng với tồn quỹ từ năm học trước chuyển sang nên thời điểm cuối tháng 7, tổng quỹ là 1,235 tỷ đồng.

Điều đáng nói là bên cạnh những địa phương làm tốt như BCĐ huyện Đồng Phú vận động được 125,57 triệu đồng; BCĐ huyện Lộc Ninh vận động được 57,34 triệu đồng; BCĐ thị xã Bình Long 51,95 triệu đồng thì lại có những đơn vị vận động được rất thấp, như BCĐ huyện Hớn Quản và thị xã Phước Long chỉ vận động được 15 triệu đồng/đơn vị. Thậm chí BCĐ huyện Chơn Thành chỉ vận động được... 2,7 triệu đồng! Điều đáng nói nữa là dù đã qua 6 năm hoạt động, năm nào Liên đoàn Lao động tỉnh cũng có công văn đề nghị các cơ quan, sở, ban, ngành hưởng ứng, nhưng đến thời điểm này, trong tổng số 161 đơn vị cấp tỉnh và tương đương, chỉ có... 13 đơn vị đóng góp Quỹ Tiếp bước cho em đến trường với tổng 120,9 triệu đồng - một con số quá khiêm tốn. Thậm chí có đơn vị là thành viên BCĐ nhưng cũng “quên” đóng góp.

Tại cuộc họp BCĐ, có thành viên cho rằng không nên đặt nặng vấn đề vận động tiền bạc mà cần quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, động viên để các em bớt đi làm sớm, bớt nghỉ học bán vé số hoặc theo cha mẹ lên rẫy để đến trường. Tuy nhiên, với những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn, đi kèm với những lời động viên thì phải có sự hỗ trợ thiết thực bằng áo quần, sách vở, xe đạp, đồ dùng học tập... Tất cả những thứ đó đều phải mua bằng tiền. Vì thế việc chung tay đóng góp tiền bạc cùng những vật dụng phục vụ việc học tập cho các em là việc làm thiết thực nhất để tiếp bước các em đến trường. Với đặc thù của một tỉnh biên giới, có nhiều vùng căn cứ kháng chiến, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo còn cao thì số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ, giúp đỡ sẽ chiếm tỷ lệ rất cao. Vì thế, cần phải có một nguồn lực không nhỏ hằng năm để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và nguồn lực ấy chủ yếu từ vận động.

Từ kết quả hoạt động của Quỹ Tiếp bước cho em đến trường năm 2017 cùng những khó khăn, bất cập mà BCĐ đã nhìn thấy tại cuộc họp sơ kết vừa qua cho thấy cần phải có biện pháp tích cực hơn để mỗi thành viên BCĐ đều phải có trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ mà mình đã ký kết và không quên những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu