Thứ 5, 28/03/2024 18:43:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:03, 06/07/2014 GMT+7

Đúng nhưng khó khả thi

Chủ nhật, 06/07/2014 | 14:03:00 133 lượt xem
BP - Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21-11-2007 tại kỳ họp thứ 2 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008.

Để có chế tài xử lý các hành vi vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Từ Điều 49 đến Điều 65

đều quy định rõ các mức xử phạt đối với hành vi bạo lực gia đình. Qua 6 tháng đi vào cuộc sống, nhiều quy định rất khó khả thi vì những rào cản tâm lý đã ăn sâu trong nhận thức, hành động của đại bộ phận nhân dân.

Lâu nay, trong suy nghĩ của nhiều người, khái niệm bạo lực gia đình thường gắn liền với hành vi thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, xâm hại, gây thương tích cho thành viên khác trong gia đình... Còn những hành vi như dùng lời lẽ chì chiết, lăng mạ, xúc phạm nhau chỉ là chuyện cơm không lành, canh không ngọt mà hầu như gia đình nào cũng ít nhiều đã, đang và... sẽ xảy ra!?. Nghị định 167 quy định khá đầy đủ chế tài xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể, quy định xử phạt từ 500 ngàn - 1 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên trong gia đình. Xét về kinh tế, mức xử phạt này đã “đủ liều” để răn đe, giáo dục nhằm đánh vào ý thức người vi phạm, làm giảm bớt sự nóng nảy của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là các ông chồng có tính gia trưởng, vũ phu. Tuy nhiên, nhiều người lại băn khoăn về tính khả thi của nghị định này. Lâu nay, người Việt thường mang nặng tư tưởng đèn nhà ai nấy rạng. Họ không muốn vạch áo cho người xem lưng, thay vào đó là đóng cửa bảo nhau. Hơn nữa, hành vi chửi bới, lăng mạ, sỉ nhục thành viên khác trong gia đình không để lại thương tích, là hành động “lời nói gió bay” nên cơ quan chức năng rất khó có cơ sở để xử phạt. Trường hợp mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, không thể tự “làm lành” được, người ta mới dùng đến cách thu thập bằng chứng (ghi âm) để tố cáo nhau. Hậu quả tiền mất tật mang, vừa mất tiền nộp phạt vừa mang tiếng xấu.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói cho vừa lòng nhau là cách ứng xử có trách nhiệm, có văn hóa. Đã có nhiều vụ ly hôn, gia đình tan vỡ vì những cơn “sóng ngầm” hoặc lời qua tiếng lại trên mức bình thường giữa vợ và chồng. Đau xót hơn, đã có không ít người phải tìm đến cái chết để giải thoát vì không chịu nổi sự chì chiết, chửi rủa “như cơm bữa” của các thành viên khác trong gia đình, như chồng mắng chửi vợ, bố mẹ mắng chửi con bằng những lời lẽ cay nghiệt.

Nghị định số 167 là công cụ pháp lý nhằm hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, tôn trọng quyền bình đẳng của vợ, chồng và các thành viên khác. Một trong những nguyên tắc khi xây dựng luật là phải đảm bảo đầy đủ, chính xác các hành vi vi phạm đều bị xử lý. Tuy nhiên, để những quy định của luật và nghị định trên đi vào cuộc sống thì các cơ quan, ban, ngành chức năng cần có những quy định chi tiết về việc hướng dẫn xử phạt rõ và cụ thể hơn. Bên cạnh xử phạt bằng kinh tế cần tính đến các hình thức xử phạt khác như: Lao động công ích, bị phê bình trước tập thể... nhằm góp phần hình thành thói quen tốt, giúp xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ.

Chính Trực

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu