Thứ 5, 25/04/2024 20:08:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:16, 19/05/2018 GMT+7

Đừng làm mất đi ý nghĩa nhân văn của cuộc vận động

Thứ 7, 19/05/2018 | 08:16:00 191 lượt xem
BP - Với mục đích hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo an cư lạc nghiệp, từ năm 2000, Ủy ban Trung ương MTTQVN chủ trương xây dựng nhà đại đoàn kết từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”. Từ đó đến nay, mỗi năm đã có hàng triệu hộ nghèo trên cả nước được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết.

Với một tỉnh có 20% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao so với khu vực nên chủ trương xây dựng nhà đại đoàn kết được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm. Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm đã có hàng trăm nhà đại đoàn kết được xây tặng hộ nghèo, có năm tỉnh vận động xây cả ngàn căn. Đặc biệt từ năm 2017, toàn bộ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” chỉ tập trung xây dựng nhà đại đoàn kết. Theo đó, năm 2017 toàn tỉnh đã dành trọn 44,155 tỷ đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” để xây dựng 879 căn nhà. Năm 2018, tỉnh chủ trương xây 500 căn và thời điểm này Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã bàn giao 27 tỷ đồng về các huyện, thị để xây dựng 430 căn.

Điều đáng nói là hầu hết các hộ được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết đều dành dụm góp thêm vào để làm nhà. Hộ ít cũng góp từ 5-10 triệu đồng, hộ nhiều thì góp thêm tương đương số tiền được hỗ trợ nên có những căn nhà đại đoàn kết trị giá hơn trăm triệu đồng, trở thành “căn nhà trong mơ” của hộ nghèo. Ngoài ra, MTTQ các cấp còn vận động người thân, xóm giềng của hộ nghèo cùng các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ ngày công, vật liệu xây dựng để làm nhà. Vì thế, những căn nhà đại đoàn kết được xây dựng trên mọi miền Tổ quốc đã mang đúng nghĩa đại đoàn kết - một tinh thần nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam. Được sống trong những căn nhà đại đoàn kết, những hộ nghèo không chỉ được an cư để lạc nghiệp mà còn được khơi dậy, gắn kết tinh thần cộng đồng tốt đẹp.

Nhưng đáng tiếc là việc bình xét đối tượng hưởng thụ nhà đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh thời gian qua có lúc, có nơi không đúng quy định, làm mất đi ý nghĩa thực sự của chính sách nhân văn này. Dù Trung ương, tỉnh, huyện đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn việc bình xét đối tượng, song vẫn có những ban vận động cơ sở cố tình làm sai quy định. Vì lợi ích cá nhân, có những ban vận động đã thỏa thuận với nhau để đưa cả những đối tượng không đủ tiêu chuẩn vào danh sách hỗ trợ. Trong đợt kiểm tra, khảo sát việc xây dựng nhà đại đoàn kết tại một số huyện gần đây, Ban vận động tỉnh đã phát hiện huyện nào cũng có sai sót, chủ yếu là sai sót về đối tượng hưởng thụ. Có gia đình đã được hỗ trợ làm nhà từ nguồn khác cũng đưa vào danh sách. Có hộ có từ 2-3 lao động, có việc làm và thu nhập ổn  định, nhà ở không quá khó khăn, thậm chí hộ có 2, 3 ha rẫy và có nguồn thu thường xuyên... cũng được đưa vào danh sách. Điều này không chỉ tạo sự bức xúc trong dư luận mà còn khiến công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo” gặp khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh có rất nhiều nguồn quỹ được các tổ chức, đoàn thể cùng xây dựng và cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp chính là đối tượng vận động.

Nhà đại đoàn kết là cuộc vận động mang ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện tinh thần đoàn kết, nhường cơm sẻ áo của dân tộc ta. Từ cuộc vận động này, hàng triệu hộ nghèo đã thay đổi số phận, vươn lên thoát nghèo bền vững. Thế nhưng việc đưa những đối tượng không quá khó khăn vào thụ hưởng đã và đang gây ảnh hưởng xấu tới cuộc vận động. Không chỉ gây bức xúc cho những người thật sự nghèo mà  còn gây mất niềm tin nơi những nhà tài trợ và làm mất đi ý nghĩa nhân văn của cuộc vận động.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu