Thứ 3, 23/04/2024 14:33:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:36, 21/06/2019 GMT+7

Đừng là con kền kền

Thứ 6, 21/06/2019 | 09:36:00 875 lượt xem
BP - Với những ai làm báo chuyên nghiệp chắc hẳn ít nhất một lần được nghe kể về Kevin Carter với giải thưởng Pulitzer danh giá đối với bức ảnh “Kền kền chờ đợi”. Anh đúng là một tài năng khi “chộp” được khoảnh khắc đó. Nhưng rồi, chính sức ép từ câu hỏi: Tại sao anh lại chỉ chụp ảnh mà không giúp đỡ em bé ấy đã khiến Kevin không thể gồng mình lên nổi và đã tự sát chỉ 3 tháng sau nổi tiếng ở tuổi 33. Từ điều này cho thấy, “búa rìu” dư luận thật khủng khiếp. Nhiều người đã phải xót xa ví truyền thông giống như con kền kền chờ đợi để rỉa xác Kevin Carter...

Với các nhà báo hằng ngày chuyển tải thông tin đến người đọc, mấy ai mỗi lần viết tin, bài lại tự đặt câu hỏi: Nội dung mình đưa ra có lợi hay gây hại cho ai không? Có suy nghĩ nên hay không nên đăng phát tin? Con người nói chung, nghề nghiệp nói riêng đều có quy chuẩn về đạo đức, nhưng chưa nghề nào lại quy định chi tiết và phải “nằm lòng” khi tác nghiệp như nghề báo. Bởi vì, cùng với quá trình toàn cầu hóa, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông cũng như internet, khủng hoảng đạo đức báo chí không chỉ bó hẹp trong một quốc gia mà trở thành vấn đề chung mà toàn thế giới đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam hiện nay, không ít nhà báo vì danh và lợi trước mắt mà đánh mất đạo đức nghề dẫn tới sẵn sàng đăng bài phản cảm, gây thất thiệt, làm mất uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, tác động tiêu cực tới quan niệm và lối sống của một bộ phận công chúng...

Vì muốn “câu” like, view, bình luận... và khẳng định “đẳng cấp”, “tầm” (sai lệch) mà nhiều phóng viên chỉ chăm chăm soi mói những vấn đề phản cảm, tiêu cực trong xã hội, hết đặc tả các vụ giết người, cướp của, hiếp dâm... lại đến các bài về sex với các từ khóa: “lộ hàng”, “thoáng”, “hở bạo”, “xuyên thấu”... kèm lời giới thiệu là “choáng”, “sốc”, “ngất”, “nghẹt thở”, “chóng mặt”...

Nhiều gia đình tan nát, tương lai ai đó từng bị hủy hoại... vì “búa rìu” dư luận sau các bài báo. Nhưng đã có bao nhiêu phóng viên đặt mình vào số phận nhân vật để đồng cảm? Bao nhiêu phần trăm nhà báo khi đưa ra mỗi chi tiết, mỗi sự kiện, lăng hình... biết cân nhắc đến hậu quả khi công khai thông tin? Chịu trách nhiệm trước những lời bình phẩm, dè bỉu, phán xét của độc giả thông qua bài viết...?

Trong rất nhiều chức năng thì giáo dục tư tưởng, cổ vũ hành động của báo chí là vô cùng quan trọng. Nhưng nếu liên tục đưa tin, bài liên quan đến đời tư của các nhân vật nổi tiếng trong giới “sâu - bít” kiểu: Hồ Quang Hiếu tiết lộ về khoảnh khắc bị cướp đi nụ hôn đầu đời, “Bỏng mắt” ngắm vợ hot girl vừa ly hôn Việt Anh sau 7 năm gắn bó... hoặc kể ra rất nhiều cuộc sống giàu sang, vương giả khá dễ dàng của nhiều cậu ấm, cô chiêu... thì làm sao ngăn được suy nghĩ cũng như cái nhìn lệch lạc của giới trẻ về cuộc sống hay vô tình cổ vũ tích cực cho lối sống thực dụng, chạy theo vật chất... mà quên đi những giá trị tốt đẹp, nhân văn mà mỗi người cần phải có, hướng đến?

Lại có không ít độc giả bức xúc, mang cảm giác bị lừa sau khi đọc nhiều bài có cách “giật tít”: Thêm tình tiết mới... hoặc Hé lộ tình tiết “sốc”... về vụ việc này, vụ án kia... nhưng cuối cùng chỉ thấy cái mới là: ngày, tháng đăng tin (!?) hoặc cùng một nội dung, một tấm hình nhưng có hàng chục, thậm chí vài chục báo đăng lại...

Bất cứ nghề nào cũng có một thứ như kim chỉ nam soi lối dẫn đường, ấy là đạo đức, là lương tâm nghề nghiệp. Tự thân tỏa sáng thì mới lâu bền, chứ không nên như con kền kền chỉ luôn tìm kiếm xác chết để xâu xé!

An Nhiên

  • Từ khóa
109129

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu