Thứ 3, 16/04/2024 12:00:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:42, 13/10/2016 GMT+7

Xin đừng để quá muộn

Thứ 5, 13/10/2016 | 08:42:00 135 lượt xem
BP - Khí độc từ các nhà máy đang bủa vây khu dân cư ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành. Đó là nội dung Báo Bình Phước phản ánh trong bài viết “Người dân xã Minh Hưng lo sợ khí độc từ các nhà máy”, số ra ngày 7-10-2016. Đây là bài viết gần nhất Báo Bình Phước phản ánh về vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh được đăng tải liên tiếp trong thời gian qua.

Chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng sơ bộ có thể thấy Minh Hưng là “xã công nghiệp” bậc nhất trong tỉnh. Bởi ở Minh Hưng có tới 3 khu công nghiệp thuộc nhóm lớn nhất trong tỉnh hiện nay, với tổng diện tích theo quy hoạch hơn 1 ngàn ha. Đặc biệt, hai khu công nghiệp Minh Hưng III và Minh Hưng - Hàn Quốc hiện gần như không còn đất trống. Từ khi các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp tập trung về Minh Hưng, bộ mặt của xã cũng như cuộc sống của người dân đã thay đổi rất nhanh. Dễ nhận thấy nhất là vùng quê vốn yên bình và thuần nông đã trở thành nơi sôi động, dân cư đông đúc, dịch vụ phát triển, xe cộ tấp nập. Đi liền với đó, những hoạt động liên quan đến tài chính, kinh tế của xã cũng thuận lợi hơn. Ở phạm vi rộng hơn, những đóng góp của các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn Minh Hưng cũng như các địa bàn khác trong toàn tỉnh là rất lớn, như nộp thuế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng... Tất cả những vấn đề này đều rất dễ nhận ra và nó hiện hữu trước mắt, trên các bản báo cáo... nên dường như ai cũng thấy. Nhưng thực tế cũng cho thấy còn những vấn đề khác mà gần như tất cả (chưa chắc là tất cả) người dân Bình Phước không muốn nhìn thấy và cũng khó nhìn thấy hơn: Cái giá phải trả cho lợi ích về kinh tế - sự tàn phá môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Đó là thông điệp những người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta đã phát đi nhiều lần trong thời gian qua, đặc biệt là kể từ khi xảy ra vụ Formosa ở Hà Tĩnh. Tại Bình Phước, lãnh đạo tỉnh cũng liên tiếp phát đi thông điệp tương tự. Mới đây nhất, ngày 3-10-2016, tiếp xúc với cử tri thị xã Bình Long, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã khẳng định: “Tôi đang chỉ đạo tổng kiểm tra các đại lý phân bón, thuốc trừ sâu, tổng kiểm tra môi trường, đặc biệt các trại chăn nuôi, công ty, xí nghiệp ven hồ, ven sông, suối. Nếu không đảm bảo môi trường, sau khi bị nhắc nhở một lần không khắc phục buộc phải đóng cửa, chúng ta không đánh đổi (môi trường lấy phát triển kinh tế)”.

Không riêng ở xã Minh Hưng, ở huyện Chơn Thành, thời gian qua Báo Bình Phước đã nhiều lần phản ánh về việc nhà máy, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại các huyện, thị như Đồng Phú, Đồng Xoài, Bù Gia Mập, Hớn Quản... Thế nhưng cũng như Formosa ở Hà Tĩnh, chúng ta không thể lập tức “bứng” các doanh nghiệp này ra khỏi tỉnh. Bởi nó còn liên quan đến thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, chiến lược phát triển kinh tế toàn tỉnh, thậm chí rộng hơn là toàn khu vực hay toàn quốc.

Vấn đề ở chỗ, khi đã xác định không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, chúng ta phải kiên quyết với lập trường của mình khi yêu cầu những doanh nghiệp “đen” khắc phục hậu quả và không tái diễn, đồng thời vẫn không thể chậm trễ trong thu hút đầu tư, nhưng phải chính xác hơn, nhìn thấy rõ hơn những gì không mong muốn nhìn thấy trong tương lai trước khi đưa ra các quyết định.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu