Thứ 7, 20/04/2024 08:50:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:33, 05/01/2019 GMT+7

Đừng để mất... tết

Thứ 7, 05/01/2019 | 09:33:00 145 lượt xem
BP - Người dân cả nước đang tất bật chuẩn bị đón tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Và năm nào cũng thế, cứ đến tết Nguyên đán là “bùng nổ” về mức độ mua sắm trong nhân dân, nhất là các loại thực phẩm thiết yếu. Đây là cơ hội để những kẻ bất lương đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... trà trộn vào thị trường đánh lừa người tiêu dùng, làm cho nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao.

Trong 10 tháng năm 2018, cả nước có 2.710 ca ngộ độc thực phẩm, làm chết 15 người. Riêng quý 1/2018, cả nước có 502 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 3 người chết. Năm 2018, các ngành chức năng đã xử phạt 99 doanh nghiệp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm với hơn 6 tỷ đồng. Đồng thời xử lý hình sự các vụ trộn tạp chất vào hạt tiêu, cà phê để thu lợi bất chính ở Bình Phước, Đắk Nông... Những tưởng các số liệu, sự việc nói trên sẽ làm chùn tay những kẻ làm ăn phi pháp; thế nhưng, càng về cuối năm, cơ quan chức năng lại liên tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn đi tiêu thụ khiến người tiêu dùng thêm lo ngại về vấn đề ngộ độc thực phẩm. Thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở chợ, cửa hàng hay trên các cung đường vận chuyển mà đã len lỏi vào từng bữa ăn, bàn tiệc của người dân. Nguy hiểm hơn là tình trạng người kinh doanh sử dụng các loại hóa chất độc hại để biến thịt động vật thối thành những đặc sản tươi ngon. Trái cây, rau củ bị phun hóa chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản độc hại và bia rượu, bánh kẹo làm bằng hóa chất để trục lợi bất chính.

Là tỉnh có địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều, lại thuộc vùng sâu, xa, biên giới nên Bình Phước là nơi lý tưởng cho các hoạt động gian lận thương mại, kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và thực phẩm bẩn. Trong năm qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường biện pháp kiểm tra, kiểm soát nhằm xử lý và ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn. Trong đó, riêng đoàn thanh tra an toàn thực phẩm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã kiểm tra 27 cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm. Qua kiểm tra, đã phát hiện và xử phạt hành chính 1 cơ sở sản xuất giò chả, 1 cơ sở chế biến hạt điều vi phạm quy định về an toàn thực phẩm 12,5 triệu đồng. Trong 11 tháng năm 2018, Bình Phước có 1.037 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm. Riêng quý 1/2018, tức thời điểm diễn ra tết Nguyên đán, toàn tỉnh có 278 người phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm.

Được biết, Bộ Y tế vừa ban hành công văn đề nghị các tỉnh, thành tăng cường hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp tới. Tuy nhiên, để “cuộc chiến” chống ngộ độc thực phẩm thực sự có hiệu quả thì ngành chức năng phải hình sự hóa các vụ việc vi phạm như tàng trữ, vận chuyển kinh doanh thực phẩm bẩn theo quy định của Bộ luật Hình sự. Nếu chỉ xử phạt hành chính thì người sai phạm sẽ “lờn thuốc” và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ là câu chuyện “biết rồi khổ lắm... nói mãi”. Ngoài ra, người dân cần thận trọng lựa chọn thực phẩm, bảo quản đúng cách và ăn uống hợp vệ sinh theo phương châm “uống sôi, nấu chín”. Thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác đầy đủ và không nên ham rẻ mua những loại thực phẩm trôi nổi dẫn đến vừa mất tết vừa tiền mất, tật mang.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu