Thứ 3, 16/04/2024 19:56:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:14, 22/08/2017 GMT+7

Đừng để “mất bò mới lo...”

Thứ 3, 22/08/2017 | 08:14:00 129 lượt xem

BP - Thời gian gần đây, ở nhiều tỉnh, thành nổi lên tình trạng đối tượng đột nhập vào trụ sở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà dân đục két sắt để trộm cắp tài sản. Số lượng lớn tiền, vàng đã bị mất, kèm theo đó là những cảnh báo không bao giờ thừa trong việc bảo vệ tài sản.

Lâu nay, đa số người dân thường nghĩ két sắt là nơi cất giữ tiền, vàng, tài sản có giá trị an toàn và phòng, chống được cháy nổ. Để tiền trong két sắt lại tiện lợi bởi khi cần gấp không phải tốn thời gian đến ngân hàng hay điểm ATM để rút. Đồng thời, thói quen của nhiều người Việt là cất tiền trong nhà “để phòng bất trắc”... vì vậy dễ dẫn đến tâm lý chủ quan, sơ hở. Đây chính là “miếng mồi ngon” các đối tượng trộm cắp nhắm đến.

Tại Bình Phước, tình trạng trộm tài sản trong két sắt dù không phổ biến nhưng những vụ việc gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các cơ quan, doanh nghiệp và nhiều hộ dân. Xin lấy một số ví dụ điển hình, ngày 1-1-2017, kẻ trộm đột nhập vào nhà anh Đ.V.P (1974) ở thôn 4, xã Đa Kia (Bù Gia Mập) cạy phá két sắt lấy 137 triệu đồng cùng 18,5 chỉ vàng 9999, khi vợ chồng anh đi cạo mủ cao su cách nhà 4km. Chỉ riêng tháng 7-2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ trộm đục két sắt gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Cụ thể, ngày 7-7, kẻ trộm đột nhập vào Trường THPT Hùng Vương (Đồng Xoài) lấy 422 triệu đồng; ngày 10-7, một vụ trộm xảy ra tại cơ quan Sở Y tế, tài sản thiệt hại lên đến 1 tỷ 794,2 triệu đồng; ngày 26-7, Bưu điện huyện Chơn Thành cũng bị mất trộm trên 10 triệu đồng.

Phần lớn những vụ trộm bắt được thủ phạm cho thấy đối tượng hoạt động rất chuyên nghiệp, theo nhóm. Trước khi hành động, đối tượng thường điều tra và nắm rõ giờ giấc sinh hoạt, những sơ hở của cơ quan, doanh nghiệp và các gia đình. Do đó, hầu hết vụ trộm két sắt trong thời gian qua đều thực hiện trót lọt. Điều đáng nói, có vụ đối tượng chỉ dùng tuốc nơ vít cũng có thể phá được chiếc két sắt nặng hàng tạ. Còn tại Bình Phước, 3 vụ trộm tại cơ quan, công sở trong tháng 7-2017 cho thấy đối tượng lợi dụng lúc đêm vắng, các ngày cuối tuần để đột nhập vào phòng thủ quỹ, kế toán... dùng đục, xà beng cạy phá két sắt. Bên cạnh cảnh báo về những chủ quan, sơ hở của nạn nhân thì chất lượng của két sắt cũng là điều rất đáng lưu tâm, từ đó có thêm khẳng định: Két sắt không phải là nơi cất giữ tài sản an toàn nhất như mọi người vẫn nghĩ.

Để phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản, các cơ quan, doanh nghiệp cần nêu cao hơn nữa tinh thần cảnh giác; trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, tổ chức tuần tra, canh gác thường xuyên; lắp đặt hệ thống an ninh như: camera giám sát, thiết bị báo động. Đồng thời, thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp cho cán bộ, công chức, viên chức biết để nâng cao ý thức phòng ngừa; thực hiện việc gửi tiền vào kho bạc, ngân hàng theo quy định. Chính quyền cơ sở chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm tại địa bàn; đặt các biển cảnh báo nơi công cộng, nơi thường xuyên xảy ra trộm cắp để nhân dân biết, nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động báo tin cho lực lượng chức năng khi phát hiện có đối tượng khả nghi... Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu