Thứ 6, 29/03/2024 21:38:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:06, 13/06/2015 GMT+7

Đừng để mắc ca thành... mắc nợ

Thứ 7, 13/06/2015 | 09:06:00 1,309 lượt xem
BP - Mới đầu tháng 6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những khuyến cáo không nên mở rộng diện tích trồng cây mắc ca hoặc chỉ được trồng những nơi đã được khảo nghiệm. Thế nhưng, chưa bao giờ đề tài cây mắc ca được bàn tán sôi nổi ở Bình Phước như hiện nay.

Năm 2014, Báo Bình Phước đã có bài viết cảnh báo về loại cây trồng này. Song do mùa vụ thất bát, giá cả nông sản thấp... nên nông dân lại tìm đến với cây mắc ca để nuôi hy vọng. Họ bám níu vào chuyện ông Bí thư Huyện ủy Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông “sống chết” với cây mắc ca, ở Đắk Lắk có nơi sản xuất giống... để nuôi ảo vọng trồng cây tỷ đô. Tuy nhiên, tỷ đô hay tỷ phú chưa biết nhưng từ mắc ca đến mắc nợ đang trở thành hiện thực nếu bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.

Cây mắc ca du nhập vào nước ta cách đây khoảng 20 năm và được trồng rải rác ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La. Đến năm 2002, loại cây này bắt đầu nhân rộng vì giá trị của nhân hạt mắc ca được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy diện tích trồng tăng, nhưng cây mắc ca có đặc điểm chỉ trồng được ở những vùng có độ cao trên 500m so mực nước biển và đòi hỏi tầng đất mặt sâu tối thiểu 1m…

Sau khi thông tin về trồng cây mắc ca cho thu nhập cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình phước đã khảo sát cây mắc ca ở tỉnh Lâm Đồng và một số nơi khác. Tại Bình Phước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trồng thử nghiệm cây mắc ca tại huyện Bù Đăng. Thế nhưng, khi làm việc với phóng viên Báo Bình Phước về việc có trồng được cây mắc ca ở Bình Phước hay không, ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định là không thể trồng. Vì với điều kiện khí hậu và đất đai của Bình Phước thì cây mắc ca không thể phát triển. Ngay như vùng Bù Đăng có khí hậu tương đồng với Tây Nguyên nhưng vườn thực nghiệm trồng mắc ca của sở sau 5 năm, cây không sinh trưởng được. Vì độ cao trung bình ở Bình Phước dưới 500m. Cây mắc ca trong thời kỳ ra hoa kết trái đòi hỏi nhiệt độ phải dưới 210C, nhưng nhiệt độ thấp nhất ở tỉnh ta là 26-270C. Như vậy, cây mắc ca chỉ trồng phù hợp với xứ lạnh như Tây Bắc, Tây Nguyên còn Bình Phước thì không thể.

Sự việc đã quá rõ ràng, tâm lý chạy theo thời giá của người dân cần phải xem xét lại. Việc trồng chặt, chặt trồng đã thành điệp khúc nhiều năm nay đối với người nông dân khi họ xem nhẹ khuyến cáo của các ngành chức năng. Việc giá mủ cao su tụt dốc trong thời gian qua là bài học cảnh tỉnh cho những ai còn chạy theo nhu cầu của thị trường mà bất chấp hậu quả. Việc trồng cây mắc ca sẽ trở thành triệu phú là có thật, nhưng đó là chuyện ở vùng ôn đới, xứ lạnh. Còn xứ nắng nóng, khô hạn như Bình Phước thì sẽ mắc nợ với mắc ca nếu bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Mong rằng, những ai còn ôm mộng trồng mắc ca để trở thành tỷ phú thì nên quan tâm đến các tài liệu khoa học nói về loại cây này. Đừng nghe lời đường mật của những kẻ bán giống cây trôi nổi trên thị trường, lời đồn thổi trong dân gian... để mang vạ vào thân. Các cấp chính quyền cũng cần tổ chức tuyên truyền, cảnh báo để nông dân biết về việc quy hoạch đất đai, các loại cây trồng trên từng địa bàn để họ nắm bắt kịp thời khi mùa mưa, mùa gieo trồng đang đến.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu