Thứ 5, 25/04/2024 12:22:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:01, 25/01/2018 GMT+7

Đừng để đào tạo là gánh nặng...

Thứ 5, 25/01/2018 | 08:01:00 95 lượt xem
BP - Ngày 21-1, một cựu sinh viên của Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đưa lên mạng xã hội đoạn clip đốt bằng đại học của chính mình, kèm theo dòng trạng thái “Cảm giác không còn gì để làm chỗ dựa sẽ khiến người ta cố gắng nhiều hơn. P/s: Từ bỏ mọi thứ để đến với ước mơ”. Cựu sinh viên này tốt nghiệp đại học hệ chính quy, ngành đào tạo tài chính - ngân hàng năm 2014.

Đây không phải là cựu sinh viên đầu tiên đốt hay muốn đốt bằng đại học của mình. Năm 2015, một cựu sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp loại khá ngành Cơ khí, chia sẻ trên mạng xã hội: “Tôi sẽ đốt bằng đại học của mình, bạn có ủng hộ không?... Học những thứ mình không yêu thích, đam mê, học chiếu lệ, học chỉ để thi cho qua, lấy cái bằng. Chính vì thế cả đời chẳng làm nên công trạng gì! Tại sao tôi đam mê kinh doanh mà tôi lại học cơ khí Bách khoa?”.

Xin không bàn tới hành động của những sinh viên này, nhưng thêm những câu chuyện sau đây, có làm các nhà quản lý, hoạch định chiến lược giáo dục suy nghĩ?

Tháng 8-2018, Đại học Fulbright Việt Nam - đại học tư thục phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam - sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên đào tạo bậc đại học. Trường tuyển 50 sinh viên và cấp học bổng toàn phần năm học đầu tiên, những năm sau cấp học bổng 5.000 USD (tương đương 115 triệu đồng)/sinh viên/năm. Kế thừa mô hình giáo dục từ Trường đại học Fulbright nổi tiếng ở Mỹ, Đại học Fulbright Việt Nam cũng tuyển sinh và đào tạo theo cách rất đặc biệt: Không phải bảng điểm hay thành tích xuất sắc trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, mà niềm đam mê của thí sinh mới là tiêu chí quan trọng nhất. Thí sinh dự tuyển chỉ cần gửi niềm đam mê của mình tới hội đồng tuyển chọn. Năm đầu tiên, 50 sinh viên sẽ trải qua “Năm học đồng kiến tạo”. Năm học này sinh viên được trao quyền thiết kế chương trình học tập của chính mình. Những năm tiếp theo, sinh viên và giảng viên cùng nhau định hình nền tảng văn hóa và chương trình đào tạo. Đối với những môn học bắt buộc trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, trường sẽ đổi mới cách giảng dạy và phương pháp tiếp cận sao cho hấp dẫn sinh viên hơn...

Ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới, chỉ rất ít ngành bắt buộc phải có bằng cấp mới được hành nghề, như luật sư, bác sĩ, còn lại hầu hết thì không. Doanh nghiệp hay cơ quan công quyền, có thể được tuyển dụng vào làm việc hôm nay, nhưng tháng sau, thậm chí tuần sau hoặc ngay ngày mai sẽ sa thải nếu không làm được việc. Điều đó tác động ngược lại các cơ sở đào tạo phải đào tạo như thế nào để sinh viên của mình ra trường làm việc được, người học cũng cố học sao cho xin được việc và không bị đuổi. Vì thế, mục tiêu đi học đại học của họ không phải lấy tấm bằng, mà là sao cho có chuyên môn, có năng lực làm việc.

Đào tạo đại học nước ta hiện nay không khác lời tự sự của sinh viên đã nêu ở bài viết này là bao: Có nhiều người học chỉ nhằm thi cho qua, lấy được cái bằng chứ không phải đào tạo và tự đào tạo để có kỹ năng, có kiến thức làm việc. Không những không đánh giá đúng năng lực người học, mà bằng cấp lại còn đang gánh nhiệm vụ rất nặng trong văn hóa của người Việt Nam.

Đào tạo lao động có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia. Nó là đòn bẩy đối với những quốc gia đi sau bắt kịp các nước phát triển. Nếu không đổi mới kịp với thời đại, đào tạo sẽ là gánh nặng làm chậm lại tốc độ phát triển của Việt Nam.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu