Thứ 6, 29/03/2024 18:43:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:44, 21/07/2017 GMT+7

Đừng để dân phải sợ “công bộc”!

Thứ 6, 21/07/2017 | 09:44:00 115 lượt xem

BP - Đã 13 ngày trôi qua (từ ngày 7-7), vụ lùm xùm quanh việc bà Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội đậu xe sai quy định vẫn là chủ đề “nóng” trên các trang báo mạng. Chỉ cần gõ từ khóa “Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân”, trong vòng 0,6 giây đã cho ra 1,2 triệu kết quả, đủ thấy thông tin này được đăng tải, chia sẻ nhiều đến mức nào.

Vụ việc được đẩy lên cao khi có tác động của các trang mạng và truyền thông. Theo đó, các cơ quan chức năng và những người có liên quan phải ngồi lại xem xét, giải quyết vụ việc một cách nghiêm túc, sai đến đâu xử lý đến đó. Dư luận “dậy sóng” vì 2 bà Phó chủ tịch UBND Lê Mai Trang và Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận Thanh Xuân Huỳnh Thị Mỹ Dung đậu xe lấn chiếm lối đi vào ngõ dân sinh, khi bị người dân phản ứng gay gắt vẫn bỏ đi. Nếu 2 vị nữ cán bộ biết lắng nghe, tìm chỗ đậu xe nơi đúng quy định rồi hãy đi ăn trưa thì đã không có sự bất bình của người dân dẫn đến cái kết như thế!

Tiếp theo là vụ việc trưa 14-7, Trung tướng Võ Văn Liêm đã nghỉ hưu lớn tiếng la mắng một trung úy thuộc Đội Cảnh sát giao thông Công an quận Bình Thủy khi bị yêu cầu dừng xe do chạy quá tốc độ cũng khiến dư luận “sôi sùng sục”.

Đây chỉ là hai trong số không ít vụ việc “công bộc” chức vụ cao cửa quyền, hách dịch. Cán bộ, công chức vốn dĩ là người phục vụ dân, là “công bộc” của dân nhưng thực tế hiện nay, nhiều cá nhân lại dựa vào chức quyền để sách nhiễu dân. Có người dựa quyền thế chiếm đoạt tài sản của dân, có người dựa vào vị trí công tác để “làm tiền” doanh nghiệp, có người đem chức quyền ra thị uy... Vấn nạn này nếu không được nghiêm trị tận gốc, e rằng sẽ còn nhiều người dân phải khổ và mất lòng tin vào sự lãnh đạo của bộ máy công quyền.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo tới công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xác định cán bộ phải là “công bộc” của nhân dân nên ngay trong những ngày đầu giành được độc lập, Người đã nhắc nhở: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân... Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh, chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta...”.

Liên quan đến yêu cầu phẩm chất, đạo đức của những “công bộc” tại Bình Phước, phát biểu tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa IX vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm cũng đã nhấn mạnh: Để tạo bước chuyển trong cải cách hành chính thông qua nghiêm túc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã phải kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm, thiếu trách nhiệm gây phiền hà cho doanh nghiệp; đề xuất điều chuyển công tác hoặc đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức cố tình vi phạm. Điều đó cho thấy lãnh đạo tỉnh đã rất kiên quyết và “phòng xa” trong xử lý cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Đáng lẽ khi cả nước đang tích cực thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thì những người như bà Trang, bà Dung, ông Liêm... phải gương mẫu đi đầu nhưng chính họ lại hành xử thiếu văn hóa, trái pháp luật... Rút kinh nghiệm là đương nhiên nhưng có lẽ cán bộ, công chức khác cũng cần phải nhìn vào để có cách hành xử chuẩn mực, đừng để nhân dân phải sợ những “công bộc” của mình!

An Nhiên

  • Từ khóa
108683

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu