Thứ 6, 29/03/2024 22:34:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:40, 05/07/2019 GMT+7

Đừng để “cái sảy nảy cái ung”

Thứ 6, 05/07/2019 | 10:40:00 233 lượt xem
BP - Việc phải chung sống với người bị tâm thần là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc đau lòng: Con giết cha, mẹ giết con, bác đánh đập cháu... Và những vụ việc sau đây là minh chứng.

Mấy ngày qua, người dân ở thành phố Đồng Xoài vẫn chưa hết bàng hoàng về nghi án con trai C.N.H (38 tuổi, ngụ phường Tân Xuân) giết chết mẹ ruột vào tối 29-6 do mâu thuẫn tiền bạc. Một số người dân cho biết, H có dấu hiệu tinh thần không bình thường, gần đây bỏ vợ về sống với gia đình... Người dân xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng chắc cũng chưa quên vụ việc xảy ra vào sáng 19-4-2018, bà N.T.P (1959) nằm chết trên lề QL14, bên cạnh có N.V.K (1992) là con ruột. Khi công an hỏi, K trả lời đã đánh chết mẹ bằng củi điều. K khai nhận đánh chết mẹ là do mẹ nói: “Khổ quá rồi, đánh chết mẹ đi”. Còn chồng bà P cho công an biết, mẹ con bà P có biểu hiện bệnh tâm thần từ trước.

Ở Thanh Hóa, ngày 1-7 vừa qua xảy ra vụ việc đau lòng. Bác ruột chém 2 cháu bị thương rất nặng, trong đó 1 cháu bị chém vỡ sọ não. Công an xã thông tin cho biết, người bác bị thần kinh mới đi điều trị về nhà được ít hôm, có thể do thời tiết nắng nóng nên phát bệnh trở lại...

Theo thông tin tại hội thảo tham vấn chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, do Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tổ chức, Việt Nam có gần 15% dân số - tương đương khoảng 13,5 triệu người, đang mắc các chứng rối loạn tâm thần phổ biến và khoảng 3 triệu người mắc các chứng bệnh rối loạn tâm thần nặng. Hiện có đến 70-80% người mắc bệnh chưa được phát hiện bệnh để điều trị.

Theo các chuyên gia y tế, việc phát hiện một người bị mắc bệnh tâm thần không dễ dàng. Đó là thay đổi bất thường rõ rệt so với trước đây về tư duy (lời nói), cảm xúc, hành vi và mối quan hệ với người xung quanh. Thông thường, để đánh giá mức nguy hiểm của bệnh, thường căn cứ vào nguy cơ mà người đó gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội (tự sát, tự gây thương tích hoặc có hành vi bạo lực, giết người, phá hoại tài sản...). Chính vì vậy, các gia đình có người thân biểu hiện bị tâm thần nên sớm đưa đến cơ sở chuyên khoa tâm thần để khám, theo dõi và điều trị. Bệnh tâm thần không phải nan y mà có thể ổn định tốt nếu tuân thủ điều trị duy trì, phát hiện càng sớm, điều trị kịp thời càng dễ khỏi bệnh và hạn chế được những hệ lụy do người bị tâm thần gây ra.

Thực tế có nhiều người bị tâm thần, thậm chí mức độ nặng vẫn không được gia đình đưa đi chữa trị mà để sống chung với người thân. Trong khi người tâm thần dễ bị kích động, dễ gây những hành vi nguy hiểm cho người xung quanh và hậu quả dẫn đến các vụ án như đã nêu là điều dễ thấy. Theo Khoản 1, Điều 45 Luật Người khuyết tật thì người bị tâm thần cũng thuộc đối tượng được bảo trợ. Nếu không nơi nương tựa hoặc không tự lo được cuộc sống thì được tiếp nhận vào trung tâm bảo trợ xã hội. Vì vậy, nếu không có điều kiện chăm sóc, những người thân vẫn có thể đưa người tâm thần đến các trung tâm bảo trợ xã hội nhờ giúp đỡ. Đừng để “cái sảy nảy cái ung”, người tâm thần gây ra những hậu quả đau lòng mới giật mình. Và dư luận đặt câu hỏi, xã hội hiện còn bao nhiêu người tâm thần chưa được phát hiện đang sống trong cộng đồng?

An Nhiên

  • Từ khóa
109139

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu