Thứ 6, 29/03/2024 14:07:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:34, 26/07/2018 GMT+7

Đừng đánh đồng hiện tượng với bản chất

Thứ 5, 26/07/2018 | 09:34:00 1,352 lượt xem

BP - GD-ĐT có một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 của Việt Nam xác định: “Phát triển giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu”, “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tiếp tục khẳng định cách nhìn nghiêm túc và quyết tâm của Đảng trong sự nghiệp “trồng người”.

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, lĩnh vực GD-ĐT của nước ta cũng vấp phải không ít khó khăn, khuyết điểm. Đây là cái cớ cho các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền xuyên tạc, chống phá sự nghiệp GD-ĐT của Việt Nam. Để thực hiện “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực GD-ĐT, các thế lực thù địch luôn đánh đồng hiện tượng với bản chất, từ một số hạn chế, bất cập nhỏ lẻ mà phủ nhận thành tựu của nền giáo dục Việt Nam, ra sức tuyên truyền, quảng bá cho nền giáo dục phương Tây.

Thứ nhất, chúng đưa tin, tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật, thổi phồng một số điểm hạn chế của nền giáo dục Việt Nam, cho rằng đó là nền giáo dục nhồi nhét, làm thui chột tự do, sáng tạo của giáo viên, học sinh, sinh viên. Rồi tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, trì trệ tràn lan trong đội ngũ những người làm công tác quản lý giáo dục. Chúng thổi phồng lên, gán cho các sự việc đơn lẻ, mang tính cá nhân là ý chí, chủ trương của tập thể. Vụ việc sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hà Giang vừa qua là một minh chứng. Ngay sau khi sai phạm được phát hiện, lập tức chúng rêu rao tuyên truyền rằng đây là sai phạm của cả một nền giáo dục, là căn bệnh “thâm căn cố đế” của Việt Nam. Từ đó, chúng thổi phồng lên thành việc đường lối, chủ trương của Đảng là sai lầm, là thiếu sót. Và chúng kết luận, nguyên nhân sâu xa của những yếu kém trong lĩnh vực GD-ĐT ở Việt Nam là do sai lầm trong việc xác định chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước đối với nền giáo dục.

Thứ hai, chúng ra sức quảng bá, tô vẽ, khuếch trương cho nền giáo dục phương Tây, cho rằng đây mới là nền giáo dục tiên tiến, lý tưởng, mẫu mực để Việt Nam học tập, noi theo. Chúng thông qua việc mở nhiều hội thảo, diễn đàn, triển lãm để giới thiệu, quảng bá nền giáo dục phương Tây. Nhưng ai cũng thừa hiểu rằng, không có gì là khuôn mẫu để có thể áp dụng mọi lúc, mọi nơi được.

Thứ ba, thông qua viện trợ, tài trợ, cấp học bổng miễn phí nhằm lôi kéo học sinh, sinh viên Việt Nam du học phương Tây. Đồng thời ngỏ ý sẵn sàng giúp Việt Nam cải cách giáo dục. Mục đích của việc lôi kéo học sinh, sinh viên Việt Nam du học nhằm tiêm nhiễm lối sống phương Tây. Chúng cho rằng, thế hệ cha ông là những người đã kinh qua kháng chiến, hiểu rõ bộ mặt thật của bọn đế quốc và giá trị của tự do, hòa bình nên không thể bị lung lạc, mua chuộc. Nhưng, thế hệ thanh niên Việt Nam hiện nay chính là đối tượng chúng dễ dàng tiêm nhiễm, mua chuộc, lôi kéo, là thế hệ sẽ giúp chúng dễ dàng thay đổi chế độ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ngỏ ý thiện chí sẵn sàng giúp Việt Nam tiến hành cải cách giáo dục. Chúng khuyên chúng ta nên bỏ việc dạy và học các môn lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở bậc đại học. Nhưng trên thực tế ai cũng biết, bất cứ nền giáo dục nào cũng đều phải có một hệ tư tưởng chủ đạo, không kể là phương Tây hay phương Đông.

Trên thực tế, Việt Nam là nước hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc về phổ cập giáo dục tiểu học. Và mới đây, ông Ousmane Dione, Giám đốc WB (Ngân hàng Thế giới), trong bức thư gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ghi nhận sự thành công trong chính sách giáo dục của Việt Nam: “Các nhà thành lập chính sách giáo dục thế giới rất bất ngờ về thành công của giáo dục cơ bản Việt Nam, thể hiện qua thành tích cao tại các kỳ đánh giá PISA 2012 và PISA 2015... Kinh nghiệm và các khả năng thực tiễn về cải cách chính sách giáo dục của Việt Nam trong việc triển khai các chương trình giáo dục đang được quan tâm cao độ, bằng chứng là nhiều nước đã đề nghị trao đổi kiến thức về vấn đề này”. Gần đây, trong  kỳ thi Olympic quốc tế 2017, Việt Nam gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá nhất từ trước đến nay. Trong đó, Hóa học: 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc; Toán học: 4 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng (đứng thứ 3/112 nước tham gia); Vật lý: 4 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và Sinh học: 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc.

Tuy nhiên, nói như vậy không phải chúng ta quá “tô hồng” thành tích. Thực tế giáo dục Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập nhất định. Như đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 ngày 21-8-2017, rằng giáo dục chúng ta vẫn còn 10 hạn chế, yếu kém: Thừa, thiếu giáo viên; hướng nghiệp chưa hiệu quả; chuẩn ngoại ngữ còn chưa đạt; điều kiện dạy học thiếu; tự chủ nhưng trách nhiệm giải trình hạn chế; mầm non “còn nhiều bất an”; đổi mới giáo dục phổ thông chưa đảm bảo lộ trình; cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ chưa nghiêm; sinh viên thất nghiệp còn nhiều; xử lý sai phạm còn chưa nghiêm.

Những hạn chế, bất cập nêu trên cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc, phải dám nhìn thẳng vào sự thật bằng cách nhìn tổng thể, tránh cảm tính. Điều cốt yếu, chúng ta không thể để những “con sâu” đó “làm rầu nồi canh”, phải có sự vào cuộc quyết liệt của mọi cấp, ngành. Mà trước hết là ở mỗi phụ huynh, phải nói không với tiêu cực, chăm lo dạy dỗ con em trở thành con ngoan, trò giỏi. Có như vậy mới ngăn chặn được tiền đề để cho những luận điệu xuyên tạc, bôi xấu nền giáo dục nước nhà của các thế lực thù địch có cơ hội lan tràn trên mạng xã hội như hiện nay.

Nhất Huy (Bộ CHQS tỉnh)

  • Từ khóa
2784

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu