Thứ 6, 29/03/2024 03:07:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 15:11, 26/10/2017 GMT+7

Đừng chết oan vì... thuốc

Thứ 5, 26/10/2017 | 15:11:00 130 lượt xem
BP - Chính phủ Anh vừa phối hợp Liên hiệp quốc và tổ chức từ thiện Wellcome Trust... tổ chức hội nghị khoa học tại Berlin (Đức), để bàn các biện pháp ngăn chặn sự lan tràn của tình trạng kháng thuốc trong điều trị bệnh. Tại hội nghị này, các nhà khoa học, chuyên gia y tế hàng đầu thế giới đã đưa ra cảnh báo hậu quả khủng khiếp do 1 loại gen kháng thuốc kháng sinh gây ra.

Cách đây gần 2 năm, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện 1 chủng vi khuẩn có chứa gen đặc biệt có khả năng chống lại thuốc kháng sinh Colistin. Thuốc Colistin được giới y học đánh giá là “giải pháp cuối cùng” khi người bệnh không còn thích ứng với các loại thuốc chống vi khuẩn khác. Tuy nhiên, việc xuất hiện loại gen kháng thuốc đang đe dọa trực tiếp tới việc điều trị, làm tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh vì không còn cơ hội dùng kháng sinh để cứu chữa. Bởi các loại thuốc kháng sinh nói chung có chức năng tiêu diệt vi khuẩn hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn một cách đặc hiệu. Vì vậy nếu không có thuốc kháng sinh thì nhiều thành tựu của y học hiện đại sẽ không được thực hiện. Ví như trong phẫu thuật, cấy, ghép... nếu không có kháng sinh thì bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng, hoại tử và một số phản ứng phụ khác dẫn tới nguy cơ tử vong rất cao. Hiện nhiều nơi trên thế giới đã xác định có khoảng 25% bệnh nhân tại các bệnh viện có loại gen này. Năm 2016, thế giới đã có 700 ngàn người chết do bị “lờn” thuốc kháng sinh. Dự báo đến năm 2050, nhân loại sẽ có 10 triệu người chết vì vi khuẩn kháng thuốc.

Tại hội nghị sơ kết giai đoạn 1 thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc diễn ra cuối tháng 9 vừa qua tại Hà Nội, các chuyên gia y tế đã cảnh báo “Tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam đang trở thành thảm họa”. Đặc biệt, cả nước có khoảng 30% bệnh nhi đang điều trị bệnh có vi khuẩn kháng thuốc. Tại Bình Phước, tuy chưa có số liệu điều tra cụ thể nhưng không vì thế mà khẳng định tỉnh ta chưa xuất hiện chủng vi khuẩn kháng thuốc. Bởi trong điều kiện hiện nay, không ít trường hợp người dân ở tỉnh ta xuất hiện triệu chứng như bệnh kéo dài, khó điều trị dứt điểm hoặc phải sử dụng kháng sinh liều cao. Đặc biệt, ở tỉnh hiện có tình trạng bác sĩ nhi tại một số phòng mạch tư kê toa đã tăng thêm liều kháng sinh khi bán thuốc cho trẻ em. Khi trẻ em tái phát bệnh thì chỉ có vị bác sĩ này kê toa “cắt thuốc” mới khỏi, nếu đi khám tại nơi khác thì bệnh sẽ kéo dài và rất khó điều trị. Đây là chiêu trò “giữ chân” bệnh nhân của một số bác sĩ hiện nay rất đáng lên án. Bên cạnh đó, ngoài các yếu tố như môi trường sống, thực phẩm, nước uống có tồn dư lượng kháng sinh thì người dân tự mua thuốc kháng sinh về điều trị bất hợp lý cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Trong khi đó, hầu hết các quầy thuốc tây, cửa hiệu dược đều vô tư bán thuốc kháng sinh mà không cần theo toa hay chỉ dẫn của bác sĩ.

Để phòng, chống tình trạng kháng thuốc, ngành chức năng cần khuyến cáo người dân không nên lạm dụng chất kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt; đồng thời cần tăng cường kiểm tra, giám sát các phòng khám tư trong việc kê toa cho người bệnh nhằm xử lý nghiêm tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh quá liều. Về phía người dân, phải tự nâng cao ý thức trong việc sử dụng kháng sinh như dùng đúng, đủ liều, không tự ý mua kháng sinh về dùng khi chưa có chỉ dẫn hay kê toa của bác sĩ.

Tấn Phong

  • Từ khóa
108743

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu