Thứ 6, 29/03/2024 02:05:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:53, 04/10/2015 GMT+7

Đừng cấp thẻ nhà báo chỉ để... cho oai!

Chủ nhật, 04/10/2015 | 06:53:00 325 lượt xem
BP - Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo dự kiến, dự luật này được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 10 cho ý kiến và sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 11. Dự thảo luật có nhiều điểm mới và một trong những điểm mới này không được sự đồng tình của dư luận và ngay trong đội ngũ những người làm báo. Cụ thể là Điều 35 của dự thảo quy định về “Đối tượng được xét cấp thẻ nhà báo”.


Những phóng viên trực tiếp tác nghiệp mới cần được cấp thẻ nhà báo - Ảnh: S.H

Đối tượng được cấp thẻ quá rộng

Theo đó, những đối tượng được cấp thẻ gồm: Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, tổng biên tập, phó tổng biên tập các cơ quan báo chí, thông tấn. Trưởng phòng (ban), phó trưởng phòng (ban) nghiệp vụ báo chí của các cơ quan báo chí, thông tấn. Phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí, thông tấn... đối với những đối tượng này thì dự luật và những người trong ngành đều rất đồng tình, ủng hộ.

Dự luật bổ sung thêm các đối tượng là những người quay phim, đạo diễn chương trình phát thanh, truyền hình (trừ phim truyện) của các đơn vị được cấp phép hoạt động báo chí; người trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về báo chí tại các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí; giảng viên chuyên ngành báo chí tại các trường đại học công lập có tham gia hoạt động báo chí và có đủ điều kiện, tiêu chuẩn... cần cấp thẻ vì ở góc độ chuyên môn cần  có thẻ để hoạt động.

Tuy nhiên, trong tác nghiệp, những đối tượng quản lý hành chính, làm công tác văn phòng trong cơ quan báo chí hoặc giảng viên “năm thì ba họa” mới có một bài báo tham gia... cho vui thì việc cấp thẻ nhà báo cũng chỉ để trong ngăn “bóp” và lâu lâu lấy ra khoe với bạn bè, chiến hữu để... giải quyết khâu oai. Hoặc phát huy trong trường hợp gặp cảnh sát giao thông thì đưa thẻ ra năn nỉ, lỡ... phạm luật giao thông vì đi lấy tin “nóng”(?!). Ở một số trường hợp, sử dụng giấy giới thiệu sẽ hợp lý hơn.

Bên cạnh đó, dự thảo luật còn mở rộng việc cấp thẻ xuống cấp huyện, thị xã như: Những người thực hiện nghiệp vụ về nội dung thông tin ở các đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương có thời gian công tác liên tục từ 3 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ và có tham gia đóng bảo hiểm xã hội (trừ những trường hợp khác theo quy định pháp luật); là cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 12 tác phẩm báo chí đã được phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 1 năm tính đến thời điểm xét cấp thẻ và được đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị cấp thẻ nhà báo.

Ở Bình Phước có 11 huyện, thị xã... tức sẽ có ít nhất 11 trưởng đài và trưởng phòng văn hóa cùng với hầu hết phóng viên đài truyền thanh - cấp huyện được cấp thẻ nhà báo. Cứ như vậy thì số “nhà báo” được cấp thẻ sẽ nhiều đến thế nào?

Sẽ có nhiều đối tượng cấp thẻ không phải là nhà báo?

Đặc biệt, theo Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2020 vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ngày 25-9 tại Hà Nội thì báo in và tạp chí in sắp xếp giảm số lượng cơ quan báo in, mỗi cơ quan báo in có thể có nhiều ấn phẩm. Các cơ quan báo in sau khi được sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, cơ quan cấp bộ, ngành cấp Trung ương (trừ các quân khu, quân chủng), tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 1 cơ quan báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí in thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Các sở, ngành không có cơ quan báo in. Lộ trình thực hiện là trước năm 2017, tiến hành sắp xếp thí điểm tại một số cơ quan, địa bàn để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trong cả hệ thống. Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp. Đồng thời định hướng quy hoạch đối với báo và tạp chí điện tử, phát thanh, truyền hình địa phương... cũng đã được công bố cụ thể. Việc thay đổi này là cần thiết đưa báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và thông tin đối ngoại.

Nhưng điều đáng nói, khi đề án này sắp xếp xong sẽ có một số lượng lớn nhà báo thuộc các tờ báo, cơ quan báo bị chuyển đổi sang hoạt động khác. Nhưng theo dự thảo “đối tượng đã được cấp thẻ nhà báo điều chuyển sang làm công việc khác vẫn tiếp tục có tác phẩm báo chí; được điều chuyển sang làm công tác giảng dạy chuyên ngành báo chí tại các trường đại học công lập; được điều chuyển sang làm cán bộ chuyên trách tại hội nhà báo các cấp thì cũng được cấp thẻ nhà báo”... Vậy đối tượng này sẽ quản lý như thế nào? Bởi làm sao tránh khỏi có những đối tượng sử dụng thẻ nhà báo sai mục đích, vì động cơ khác?

 Từ những gì đang diễn ra hiện nay cho thấy, quy định đối tượng được xét cấp thẻ theo dự thảo là quá rộng. Trong khi đó, thẻ nhà báo lại chỉ phát huy tác dụng với người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Cụ thể hơn là phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, đài phát thanh - truyền hình. Họ trực tiếp tác nghiệp nên cần xuất trình thẻ nhà báo trong những trường hợp cần thiết yêu cầu các đơn vị, cá nhân cung cấp thông tin nhạy cảm, đặc biệt... Còn nếu cứ cấp thẻ tràn lan, khó kiểm soát thì sẽ không tránh khỏi những trường hợp lợi dụng thẻ nhà báo để nhũng nhiễu, trục lợi... gây phản ứng không tốt trong dư luận xã hội. Chính vì thế, dự thảo luật nên cân nhắc việc cấp thẻ nhà báo. Phải cấp thẻ làm sao để người được cấp thẻ cảm nhận được niềm vinh dự cũng như sứ mệnh, trách nhiệm của mình.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, đến tháng 3-2013, cả nước có 812 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm; gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ; 1 hãng thông tấn, 67 đài phát thanh, truyền hình, 101 kênh truyền hình, 78 kênh phát thanh; 74 cơ quan báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động (năm 2011 là 46 báo điện tử, 287 trang thông tin điện tử).

Ngọc Tú

  • Từ khóa
52567

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu