Thứ 6, 29/03/2024 04:42:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:10, 19/07/2012 GMT+7

Dựa vào dân để xây dựng và chỉnh đốn đảng phải có “cơ chế”

Thứ 5, 19/07/2012 | 16:10:00 2,850 lượt xem

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã đưa ra 4 nhóm giải pháp về xây dựng đảng, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò của quần chúng: “Định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Thực tế đã chứng minh, từ ngày thành lập đến nay, sức mạnh của Đảng và sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam là do Đảng ta luôn luôn gắn bó với quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, để thực hiện nghị quyết hiệu quả, Đảng phải thực sự dựa vào dân, có sự giám sát của nhân dân làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân và làm cho quan hệ giữa Đảng với dân ngày càng gắn bó máu thịt.

Các đại biểu dự hội nghị về phòng chống tham nhũng Ảnh: B.L

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Đảng dựa vào nhân dân như thế nào và nhân dân tham gia xây dựng, giám sát Đảng bằng cách nào? Trong bối cảnh hiện nay, để việc triển khai nghị quyết được thành công, đáp ứng được kỳ vọng và mong muốn của người dân, điều quan trọng là phải có “cơ chế” để cán bộ, đảng viên và nhân dân được góp ý và mỗi cấp ủy phải thực sự cầu thị trước những kiến nghị, đề xuất của người dân. Đối với những ý kiến phê bình đúng của quần chúng nhân dân thì phải tiếp thu nghiêm túc và có biện pháp sửa chữa. Còn những ý kiến không đúng thì phân tích, giải thích đầy đủ với thái độ thực sự “trọng dân”. Thêm vào đó, muốn nhận được sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, tổ chức cơ sở đảng đó phải xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm. Có như vậy mới tránh được tình trạng mất lòng tin trong quần chúng nhân dân.

Ví dụ như các tổ chức đảng, những người giữ cương vị trong cấp ủy phải có sự nhận xét của nhân dân trong quá trình công tác. Phải có hội nghị từ tổ dân phố cho đến cơ quan, đơn vị và hội nghị đó phải làm công khai, minh bạch, dân chủ, để cho người dân góp ý hoặc có gì vi phạm về đạo đức, lối sống thì phản ánh. Như thế, người đảng viên giữ cương vị luôn được nhân dân giám sát, để họ làm việc và rèn luyện bản thân mình tốt hơn.

Nếu muốn dựa vào dân thì phải có “cơ chế” cụ thể chứ không nói chung chung. Như lời Bác dạy “để dân nói” thì phải có cơ chế khuyến khích và bảo vệ nhân dân dám phê bình, dám đấu tranh. Nhân dân có thể tham gia giám sát, xây dựng đảng bằng nhiều cách, nhiều kênh. Trong đó có việc góp ý thông qua các đoàn thể nhân dân. Và để làm được điều đó, Đảng cần ban hành quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp; trong đó có cơ chế giám sát của ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; cơ chế để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền”. “Cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng đảng. Đó không những là công việc của Đảng và đảng viên mà còn là của toàn dân...”. Do vậy, nhất thiết phải gắn với phong trào quần chúng, dựa vào quần chúng để xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Nhân dân biết nhiều việc mà Đảng và Chính phủ không biết, cần phải biết dựa vào tai mắt của nhân dân để xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh”. Ngày nay, tư tưởng đó của Người vẫn còn tính thời sự.

Gia Phúc

  • Từ khóa
1242

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu