Thứ 6, 29/03/2024 07:35:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:32, 10/10/2012 GMT+7

Đưa trò chơi dân gian vào trường học

Thứ 4, 10/10/2012 | 09:32:00 208 lượt xem

Hiệu quả thiết thực ở Tiểu học Chơn Thành A

Qua 4 năm thực hiện đưa trò chơi dân gian vào trường học, trường Tiểu học Chơn Thành A, thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành) đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, góp phần đưa phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” vào thực tiễn…

TẠO SÂN CHƠI
LÀNH MẠNH, BỔ ÍCH CHO HỌC SINH

Đến trường Tiểu học Chơn Thành A vào giờ ra chơi, sân trường sau những giờ học trở nên rộn rã khi các em học sinh cùng nhau tham gia những trò chơi dân gian vui nhộn. Ở đây không còn cảnh học sinh rượt đuổi, nghịch phá hoặc chơi các trò bạo lực. Thay vào đó, mỗi lớp tổ chức một trò chơi dân gian khác nhau như kéo co, nhảy dây, chơi lò cò, đánh đáo, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, thuyền lướt sóng, hát đồng dao, vè... Cả sân trường như ngày hội văn hóa dân gian với rất nhiều trò chơi từ dễ đến khó.

Mỗi lớp đều tổ chức một trò chơi khác nhau

Thầy Nguyễn Văn Giàu, Tổng phụ trách đội chia sẻ, thông qua tài liệu, giao lưu học tập kinh nghiệm với các giáo viên phụ trách đội và tìm hiểu thực tế ở các khu phố... thầy và các đồng nghiệp đã chuyển hóa thành nhiều trò chơi dân gian khác nhau. Trên 50 trò chơi được chia theo thời khóa biểu từ thứ 2 đến thứ 6. Mỗi nhóm trò chơi mang một ý nghĩa giáo dục khác nhau. Trò chơi vận động giúp tăng cường thể chất. Trò chơi trí tuệ giúp phát triển tư duy, dạy cho các em biết quan sát, tính toán. Trò chơi sáng tạo giúp các em khéo tay, phát huy sáng kiến, năng khiếu, thẩm mỹ. Trò chơi mô phỏng giúp các em học cách ứng xử của người lớn và hình thành nhân cách...

Để thu hút các em đến với những trò chơi, bài hát dân gian, giáo viên chủ động lựa chọn trò chơi phù hợp lứa tuổi, đặc điểm khu dân cư. Theo đó, trò chơi dân gian được lồng ghép đa dạng trong các hoạt động dạy học, sinh hoạt ngoại khóa và cả trong giờ học, giờ ra chơi, giờ tập thể dục, môn Âm nhạc. Nhờ đó, các trò chơi dân gian được các em tiếp nhận...

HIỆU QUẢ THIẾT THỰC

Cô Huỳnh Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện ở thị trấn Chơn Thành không có khu vui chơi, giải trí dành cho thiếu niên, nhi đồng nên nhiều em đã tìm đến trò chơi trên internet. Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học đã giúp học sinh tiếp cận các loại hình văn hóa dân gian, tạo cho các em kỹ năng sống hòa nhập với thiên nhiên, cộng đồng. Đây cũng là một trong 5 nội dung quan trọng của phong trào thi đua: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong nhà trường đi vào thực tiễn. Hiện 100% giáo viên trường Tiểu học Chơn Thành A đã chủ động lồng ghép đưa trò chơi vào các tiết học làm cho học sinh hứng thú và tích cực hơn... Kết quả, hàng năm nhà trường có 100% học sinh xếp loại học lực đạt từ A trở lên, trong đó A+ chiếm 30%.

Cô Mạc Thị Thanh Bình, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chơn Thành cho biết: Thực hiện Chỉ thị 40 của Bộ GD-ĐT về phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013, phòng đã chỉ đạo các trường đưa trò chơi vào hoạt động của học sinh.

Cô Bình cho rằng, do thời lượng học văn hóa chiếm hầu hết thời gian nên hạn chế các hoạt động vui chơi của học sinh. Mặt khác, sự bùng nổ thông tin nên nhiều trò chơi trên mạng đã thu hút học sinh, trong khi đó các loại hình trò chơi dân gian bị mai một, quên lãng từ lâu cần có thời gian để khôi phục lại. Để trò chơi dân gian thực sự có hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục thế hệ trẻ. Các xã, thị trấn cần có phương pháp quản lý chặt chẽ những điểm truy cập internet. Trong trường, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với tổng phụ trách đội đẩy mạnh các hoạt động đoàn, đội; tăng cường tổ chức lồng ghép các trò chơi cũng như tổ chức các cuộc thi... Với sự phối kết hợp từ nhiều phía, trò chơi dân gian sẽ trở thành món ăn tinh thần giúp học sinh hứng thú khi đi học, để mỗi ngày đến lớp, đến trường là một ngày vui.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
83146

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu