Thứ 5, 25/04/2024 20:14:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:12, 22/04/2018 GMT+7

Đưa sách đến gần hơn học sinh

Chủ nhật, 22/04/2018 | 08:12:00 414 lượt xem
BP - Hình thành văn hóa đọc cũng như đưa sách đến gần hơn với học sinh là điều mà các trường học trên địa bàn thị trấn Đức Phong (Bù Đăng) đang cố gắng thực hiện. Qua đó nhằm xây dựng thói quen đọc sách, tiếp cận tri thức cho học sinh, kéo các em ra khỏi không gian của các trò chơi điện tử và thế giới công nghệ đang bị lạm dụng.

Linh hoạt trong tổ chức thư viện

Trong khuôn viên Trường tiểu học Lê Lợi, thị trấn Đức Phong, có thể nhìn thấy nhiều ống sắt được bọc trong giấy màu xanh đỏ treo trên cây, rất bắt mắt. Bên trong ống sắt là những cuốn sách, truyện được xếp cẩn thận để học sinh của trường có thể lấy ra đọc trong giờ giải lao. Sau tiết học, được ngồi dưới tán cây mát rượi để tập trung đọc một cuốn sách là điều vô cùng thích thú đối với các em học sinh. Em Trần Thị Minh Linh, học sinh lớp 3A1 hào hứng nói: Em rất thích “Thư viện xanh” của trường. Trong giờ ra chơi hoặc đợi cha mẹ đến đón, em có thể đọc những quyển sách, truyện yêu thích trong khuôn viên trường, vừa an toàn lại mát mẻ.

Học sinh Trường tiểu học Lê Lợi, thị trấn Đức Phong cùng nhau đọc sách ở sân trường

“Thư viện xanh” là tên của mô hình Trường tiểu học Lê Lợi xây dựng để tạo không gian đọc theo hướng mở cho học sinh. “Nếu dùng phòng học làm thư viện thì diện tích bị hạn chế, chỗ ngồi không đủ nên số lượng học sinh tìm đến đọc sách cũng ít. Do đó nhà trường đã xây dựng kế hoạch nhỏ làm những ống sắt có chức năng như giá sách ngoài trời để học sinh có thể đọc mọi lúc mọi nơi, giúp các em tiếp cận tri thức dễ dàng và thuận tiện hơn” - thầy Nguyễn Văn Công, giáo viên Trường tiểu học Lê Lợi cho biết.

Còn ở Trường THCS Phan Bội Châu, thị trấn Đức Phong, trong thư viện trường luôn có những giỏ mini đựng đầy sách đã phân loại. Mỗi giỏ một chủ đề giúp học sinh dễ tìm thấy loại sách mình cần. Cô Phạm Thị Bích Thủy, Phó hiệu trưởng trường cho biết: “Thời gian ra chơi ít nên nhà trường cho thư viện tổ chức những giỏ sách nhằm giúp các em tiết kiệm thời gian tìm, lại bắt mắt, thu hút học sinh đến đọc. Đối với các loại sách tham khảo, nếu em nào muốn nghiên cứu sâu hơn, thư viện trường cũng có thể cho mượn về nhà từ 1-2 tuần”.

Xây dựng văn hóa đọc

Mô hình “Thư viện xanh” của Trường tiểu học Lê Lợi ngày càng đông học sinh yêu thích và tiếp cận. Sách đã trở thành người bạn ngay bên cạnh các em. Đọc một vài trang sách trước giờ vào học hay những lúc đợi cha mẹ đến đón dần dần sẽ trở thành thói quen tốt trong học sinh. “Nhà trường ngoài mua sách và được tặng, nhiều em còn mang sách ở nhà đến tặng trường, bỏ vào ống treo trên cây để các bạn khác cũng có thể đọc. Tức là đã có sự trao đổi, chia sẻ qua lại giữa các em trong việc phát triển thói quen đọc sách” - thầy Nguyễn Văn Công, giáo viên Trường tiểu học Lê Lợi nói.

Cô Phạm Thị Bích Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu cho biết: Hiện trường đang tổ chức mô hình giới thiệu sách trong giờ sinh hoạt dưới cờ vào đầu tuần. Mỗi lớp sẽ chọn 1 hoặc 2 em học sinh có giọng đọc, khả năng giới thiệu sách tốt tham gia tổ cộng tác viên của thư viện để giới thiệu sách theo chủ đề cho các bạn. Những cuốn sách được giới thiệu, trường đã chọn lọc kỹ, cung cấp nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích cho học sinh. Ngoài giới thiệu sách, trường còn tổ chức kể chuyện theo sách. Mỗi lớp sẽ cử đại diện kể một câu chuyện bản thân đã đọc được trong sách về gương người tốt, việc tốt hoặc những chủ đề giáo dục đạo đức, khá thiết thực và hiệu quả. Trong năm học tới, nhà trường tiếp tục tổ chức mô hình đọc sách theo lớp, sau đó từng tuần sẽ có kế hoạch luân chuyển sách, báo để tất cả các lớp đều đọc được sách trong thư viện.

Đọc sách là thói quen rất hữu ích, ý nghĩa. Duy trì, phát triển văn hóa đọc giúp các em lĩnh hội các giá trị văn hóa - xã hội, hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp thông tin, tiếp nhận tri thức để từ đó hoàn thiện nhân cách. Trong thời đại bùng nổ thông tin, bên cạnh những lợi ích mạng xã hội đem lại, còn có mặt hạn chế, tiêu cực từ internet. Vì vậy, việc đọc sách có chọn lọc là rất bổ ích, giúp học sinh tiếp nhận thông tin nhiều chiều. Tùy hoàn cảnh, tình hình đặc điểm của nhà trường, có rất nhiều phương pháp giúp học sinh hình thành văn hóa đọc.

Hạ Băng

  • Từ khóa
87674

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu