Thứ 7, 20/04/2024 08:59:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:16, 21/09/2018 GMT+7

Đua nhau trồng sầu riêng - tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thứ 6, 21/09/2018 | 06:16:00 10,377 lượt xem
BP - Thời điểm đầu tháng 8 âm lịch năm nay, cuối vụ trồng mới nhưng giá cây giống sầu riêng vẫn cao chót vót chỉ vì mơ ước đổi đời của nhiều nông dân với trái cây “hót” nhất thị trường hiện nay. Tuy chưa có khảo sát về diện tích của ngành chức năng nhưng việc tăng nóng về diện tích khi nhà nông chưa liên kết được với thị trường thì việc đầu tư trồng sầu riêng sau 4-5 năm nữa cũng sẽ có “hồi kết” như “vàng đen” hồ tiêu hiện nay...

GIÁ CÂY GIỐNG CAO CHÓT VÓT

Những ngày đầu tháng 8 âm lịch - thời điểm cuối vụ trồng mới, chúng tôi đảo quanh một vòng các vựa bán giống trên địa bàn tỉnh vẫn thấy tấp nập nhà nông đến mua bầu giống sầu riêng Ri6, Monthong (sầu riêng Thái).

Cơ sở bán giống cây trồng Hoàng Phúc, Minh Trãi bên quốc lộ 13 thuộc thị trấn Lộc Ninh (Lộc Ninh) - địa chỉ uy tín của nhà nông do đầu vào giống cây ăn trái chủ yếu từ các hợp tác xã sản xuất cây giống ở Chợ Lách (Bến Tre) lên. Đã vào cuối vụ trồng mới nhưng giá cây giống sầu riêng ở đây vẫn cao chót vót: Ri6 có giá 160-180 ngàn đồng/bầu giống; Monthong 140-160 ngàn đồng/bầu giống. 

Cuối vụ trồng mới nhưng nông dân trong tỉnh vẫn tìm mua giống sầu riêng về trồng

Sau đại hạn hán lịch sử mùa khô 2015-2016, các cơ sở sản xuất cây giống miền Tây bị xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng cây giống cung cấp cho thị trường nên đẩy giá lên cao. Năm nay, giá giống sầu riêng tăng gấp hơn 3 lần, trong đó Ri6 tăng 3,5-4 lần so với 3 năm trước do nhu cầu lớn của thị trường. Lý giải vì sao giá cây giống sầu riêng cuối vụ vẫn cao chót vót, chủ cơ sở Hoàng Phúc cho biết: Do đầu vào cao nên mỗi bầu giống chúng tôi chỉ thu lãi khoảng 10 ngàn đồng. Hiện nay, nhu cầu nông dân vẫn còn cao nên giá chưa “hạ nhiệt” mà vẫn ngang với đầu vụ trồng mới. Ngoài thị trường Lộc Ninh, Bù Đốp, nhiều năm nay chúng tôi còn cung cấp giống cây ăn trái cho nhà vườn ở Campuchia với số lượng lớn nên uy tín phải đặt lên hàng đầu. Sầu riêng Ri6 bán chạy nhất hiện nay ở 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp do kháng bệnh tốt hơn Monthong, cho trái đồng đều, vỏ mỏng, cơm dẻo với cân nặng bình quân từ 2-3kg/trái nên rất dễ bán.

Chủ cơ sở bán cây giống Phượng Hằng, bên quốc lộ 14, thuộc xã Minh Lập (Chơn Thành) cho biết, năm nay nhu cầu giống sầu riêng Monthong và Ri6 tăng gấp 2 lần so với năm ngoái. Cụ thể, loại giống sầu riêng ghép 2 năm tuổi có giá từ 120-130 ngàn đồng/cây, thậm chí có nơi bán với giá 140-160 ngàn đồng/cây, tăng 60 ngàn đồng/cây so với năm 2017. Thị trường của cơ sở Phượng Hằng còn cả ở các tỉnh Tây Nguyên.

ƯỚC MƠ ĐỔI ĐỜI

Chỉ có 15 cây sầu riêng Ri6 trồng năm 2014 cho bói 2-3 trái/cây và 5 cây sầu riêng 10 năm tuổi nhưng năm nay vợ chồng anh Nguyễn Văn Thảo ở ấp 2, xã Lộc Thái (Lộc Ninh) thu về 70 triệu đồng. Điều đáng nói là không phải mất công trèo hái hay chờ sầu riêng rụng để bán từng trái mà thương lái đánh xe tải vào tận vườn hái đồng loạt, chủ vườn chỉ giám sát từng mã cân rồi đếm tiền, với giá bán 38-40 ngàn đồng/kg. Gia đình bà Hoàng Thị Phương ở ấp 6, xã Lộc Thuận (Lộc Ninh) chỉ có 16 cây sầu riêng Ri6, Monthong 12-15 năm tuổi. Bà không bán đồng loạt như nhiều nhà vườn mà bán bao ăn (sầu riêng rụng) nên có giá 60-80 ngàn đồng/kg, năm nay thu về hơn 100 triệu đồng.

Giá giống sầu riêng cuối vụ vẫn bằng giá đầu vụ trồng mới do nhu cầu thị trường còn cao

Với giá sầu riêng như hiện nay, nhiều nông dân nhẩm tính: 1 ha (120-150 cây) mỗi năm trừ chi phí thu hơn 500 triệu đồng (với cây 8-10 năm tuổi). 2 năm nay giá tiêu “chạm đáy”, nông dân “kiệt sức” không chăm nổi vườn tiêu. Tiêu chết thì chuyển đổi qua trồng sầu riêng là kinh tế nhất.

Không có điều kiện để mua cây giống với giá cao nên dù đã vào cuối vụ trồng mới nhưng anh Nguyễn Văn Thanh ở ấp 9, xã Lộc Thuận đã lên mạng tìm tòi để mua giống sầu riêng trực tiếp từ các cơ sở sản xuất. Theo đó, anh Thanh và 5 người bạn đã đặt mua giống sầu riêng Ri6 ở Viện Nông nghiệp Tây Nguyên, với giá 45 ngàn đồng/bầu giống (sầu riêng mới lên 1 cơi lá). Anh Thanh cho biết, trồng ở vườn tiêu cũ nên đất tốt và nếu chịu khó chăm sóc, tưới đủ nước trong mùa khô thì dù trồng cuối vụ nhưng vẫn đuổi kịp tăng trưởng so với cây có 2-3 cơi lá trồng chính vụ.

Anh Thanh cho biết thêm: Giai đoạn 2014-2015, giá hồ tiêu 200-230 ngàn đồng/kg, vợ chồng tôi chuyển đổi cà phê qua trồng tiêu. Vậy là 150 triệu đồng dành dụm bao năm để làm nhà gia đình tôi đầu tư hết vào vườn tiêu. Trồng tiêu tốn công nên tôi phải nghỉ làm thợ hồ để cùng vợ chăm vườn. Chống chọi qua mùa khô hạn lịch sử 2016, cuối năm cơn lốc tràn qua đã làm 1.000 trụ tiêu ngã đổ. Mùa tiêu năm nay mất mùa, mất giá gia đình tôi “kiệt sức” nên tiêu lần lượt “đội nón” ra đi. Tôi lại trở về với nghề thợ hồ. Năm nay, trong các loại cây ăn trái chỉ có sầu riêng là cho hiệu quả kinh tế nhất nên vợ chồng tôi lựa chọn trồng 45 cây.

TIỀM ẨN NHIỀU RỦI RO 

Với gần 1 ha đất, gia đình anh Nguyễn Văn Khương ở khu phố Ninh Thành, thị trấn Lộc Ninh trồng nhiều loại cây ăn trái, chủ yếu là sầu riêng, măng cụt, chôm chôm Thái và cả hồ tiêu nhưng 2 năm nay cho thu nhập cao vẫn là sầu riêng. Tuy nhiên, vợ chồng anh Khương không như nhiều hộ khác trong xóm chuyển đổi vườn tiêu kém hiệu quả qua trồng sầu riêng mà chăm sóc tất cả loại cây trồng đúng quy trình kỹ thuật để lấy cây này bù cây khác khi thị trường nông sản bấp bênh.

Xuống giống sầu riêng nhiều trên diện tích lớn trong 2 năm nay chủ yếu là nông dân ở Tây Nguyên và đã có rất nhiều cảnh báo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cùng các chuyên gia kinh tế. Bởi với phương thức thu hoạch đồng loạt như hiện nay, thị trường sầu riêng chủ yếu là Trung Quốc, qua đường tiểu ngạch nên rất bấp bênh. Xuất khẩu bằng chính ngạch ổn định thì Trung Quốc cũng như nhiều thị trường khác, đòi hỏi sầu riêng Việt Nam phải có chỉ dẫn địa lý, thương hiệu bảo đảm chất lượng và đặc biệt là không được tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cả trong quá trình sản xuất cũng như sản phẩm sau thu hoạch.

Anh Khương suy nghĩ: Sầu riêng cũng như nhiều cây trồng khác, nếu nhà vườn đổ xô trồng thì cung sẽ vượt cầu và rớt giá là chuyện không thể tránh. Với kinh nghiệm làm vườn 20 năm, anh Khương cho rằng, so với chôm chôm, măng cụt thì sầu riêng là loại cây trồng khó tính, phải chăm sóc nhiều. Đơn cử, vườn sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh ở cùng xóm, mùa mưa năm nay đồng loạt đổ lá, khô cành, trong đó nhiều cây đã chết khô.

Bình Phước có thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp với nhiều loại cây ăn trái, trong đó có sầu riêng. Cả tỉnh hiện có khoảng 9.000 ha cây ăn trái nhưng nhiều năm qua, nhà vườn vẫn loay hoay tìm đầu ra sản phẩm. Dù nhiều loại cây ăn trái trong tỉnh có chất lượng cao hơn cả Đồng Nai, miền Tây Nam bộ nhưng vì không phải là vùng sản xuất cây ăn trái truyền thống, nông dân trồng nhỏ lẻ, sản lượng ít không đủ cung cấp cho thương lái đóng hàng số lượng lớn. Do đó, giá cây ăn trái ở Bình Phước luôn thấp hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành khác.

Tuy chưa có số liệu thống kê về diện tích sầu riêng trồng mới và sự cảnh báo của ngành chức năng nhưng nếu đầu tư trồng sầu riêng thì nhà vườn ở Bình Phước phải có sự liên kết, chăm sóc bài bản, thu hoạch theo truyền thống (sầu riêng rụng) để tạo niềm tin và có số lượng lớn cho các cơ sở thu mua trong tỉnh, TP. Hồ Chí Minh. Như vậy, giá bán tốt và ổn định, tránh rủi ro khi nhà vườn đổ xô chọn loại cây này để đầu tư.

Phương Hà

  • Từ khóa
94443

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu